Tập đoàn Huawei đã đệ đơn kiện Bộ Thương mại Mỹ vì thu giữ thiết bị viễn thông của họ gửi từ Trung Quốc sang Mỹ.
Theo Reuters, Huawei viết trong đơn kiện rằng họ đã vận chuyển thiết bị viễn thông từ Trung Quốc, bao gồm máy chủ máy tính và bộ chuyển mạch, đến phòng thí nghiệm để thử nghiệm ở bang California – Mỹ. Sau khi thử nghiệm xong, chúng dự kiến được đưa trở lại Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhà chức trách Mỹ đã thu giữ các thiết bị nói trên ở bang Alaska cũng như không ra quyết định về việc cần phải có giấy phép mới được vận chuyển các thiết bị này hay không.
Huawei cho biết chúng vẫn đang nằm trong một nhà kho ở bang Alaska.
Đại diện của tập đoàn khẳng định các thiết bị thử nghiệm không cần giấy phép bởi chúng thuộc danh mục được kiểm soát, sản xuất bên ngoài nước Mỹ và được chuyển trở lại Trung Quốc chứ không phải một quốc gia nào khác. Huawei đã yêu cầu Washington trả lại các thiết bị cho mình để nối lại hoạt động vận chuyển.
Tập đoàn Huawei đã đệ đơn kiện Bộ Thương mại Mỹ vì thu giữ thiết bị viễn thông của họ gửi từ Trung Quốc sang Mỹ. Ảnh: Reuters |
Bộ Thương mại Mỹ chưa bình luận về vụ kiện.
Hồi tháng 5, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa Huawei vào danh sách đen, cấm họ mua thiết bị và linh kiện cần thiết từ Mỹ trừ khi có sự chấp thuận đặc biệt của Washington.
Liên quan đến cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) ngày 21-6 cảnh báo nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt vòng thuế quan mới đối với 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chịu thêm mức phí 12,2 tỉ USD cho hàng may mặc, giày dép, đồ chơi và các thiết bị gia dụng mỗi năm.
Trong đó, NRF cho biết người tiêu dùng nội địa phải chịu thêm 4,4 tỉ USD cho hàng may mặc, 2,5 tỉ USD cho giày dép, 3,7 tỉ USD cho đồ chơi và 1,6 tỉ USD cho các thiết bị gia dụng.
Nhiều nhà bán lẻ Mỹ phản đối Washington tăng thuế đối với hàng hóa từ Bắc Kinh. Ảnh: Reuters |
"Trong thời gian ngắn, các nhà bán lẻ buộc phải tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp Trung Quốc và đẩy chi phí cao hơn về phía khách hàng của họ" – Phó Chủ tịch bộ phận của NRF David French giải thích.
Nhiều nhà bán lẻ bao gồm J.C. Penney Co và Macy’s Inc đã phản đối Washington tăng thuế đối với hàng hóa từ Bắc Kinh, đồng thời nói rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chịu mức giá hàng hóa cao hơn.
Ngày 21-6, Hiệp hội Công nghiệp Thời trang Mỹ (USFIA) ước tính thuế quan bổ sung đối với quần áo và hàng may mặc sẽ khiến người tiêu dùng nước này chịu thêm 4,9 tỉ USD/năm.
"Thực tế là đối với nhiều thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp số 1 trên thế giới. Không có lựa chọn nào khác có thể thay thế Trung Quốc" – USFIA thừa nhận.
Theo Báo Người lao động