Hỗ trợ ngư dân mạnh dạn vươn khơi

.

Đà Nẵng đã hỗ trợ nhiều hộ ngư dân trên địa bàn thành phố tiếp cận, sử dụng các thiết bị công nghệ tiên tiến trong khai thác hải sản. Đây là một trong những tác nhân chính giúp cho giá trị hải sản khai thác tăng dần qua các năm.

Hệ thống làm lạnh ngâm trên tàu ông Nguyễn Cu (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà).  (Ảnh: Trung tâm Khuyến nông-lâm-ngư)
Hệ thống làm lạnh ngâm trên tàu ông Nguyễn Cu (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà). (Ảnh: Trung tâm Khuyến nông-lâm-ngư)

Những năm trước, mỗi chuyến đi biển của ông Nguyễn Ngọc Anh (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) thường kéo dài khoảng 10-15 ngày trở lại, bởi đó là thời gian tối đa tàu ông có thể bảo quản hải sản. Sau khi được thành phố hỗ trợ lắp đặt hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu polyurethane (một loại nhựa tổng hợp được dùng trong công nghệ lạnh), hiện giờ ông Anh có thể kéo dài chuyến đi của mình thêm 5 ngày nữa. Bên cạnh đó, với hầm bảo quản này, tỷ lệ hải sản hư hao trong quá trình vận chuyển trên biển giảm đáng kể, từ 20-25% sản lượng (hầm truyền thống) xuống còn 3-5%. Tùy từng loại cá, giá bán cũng có thể tăng 10-20% trên mỗi kg sản phẩm.

Ông Nguyễn Cu (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) là một trong những ngư dân được thành phố hỗ trợ lắp đặt hệ thống lạnh ngâm trên tàu cá có khả năng làm lạnh nhanh sản phẩm, giữ chất lượng tốt. Trước đây, sau khi đánh bắt được cá, ông Cu thường đưa thẳng cá vào hầm bảo quản. Lúc này thân nhiệt của cá vẫn còn cao (do cá vùng vẫy khi mắc lưới), độ lạnh của đá xay không đủ thẩm thấu nên vẫn có một phần cá bị hư khi đưa vào bờ. Với hệ thống lạnh ngâm, sau khi cá được bắt lên tàu, hệ thống sẽ ngâm cá trong khoảng 1-2 giờ để làm hạ thân nhiệt cá, rồi mới đưa cá xuống hầm bảo quản, kết thúc chu trình.

Đối với các tàu đánh cá xa bờ, hệ thống làm lạnh cá đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Sau những chuyến đánh bắt dài ngày, lượng cá hỏng chỉ có thể đem làm cá phân, giá trị rất thấp. Cá hỏng thường do vách gỗ của cá kho bảo quản truyền thống trên tàu có khả năng cách nhiệt kém, lại dễ sinh vi khuẩn. Theo số liệu của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ (Sở KH&CN), hao hụt sau khi thu hoạch trên các tàu hải sản xa bờ là 25-30%. Chất lượng hải sản sau thu hoạch là vấn đề tồn tại lâu nay.

Theo ông Nguyễn Thanh Trí (Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ), nhằm thực hiện chủ trương chung của thành phố trong việc giảm hao hụt sản lượng hải sản, trung tâm đã triển khai đề tài nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt hệ thống lạnh bổ sung cho các tàu đánh cá xa bờ có công suất từ 400CV trở lên. Theo đó, lớp cách nhiệt gỗ của các hầm lạnh truyền thống sẽ được thay thế bằng lớp cách nhiệt inox, kết hợp phun lớp cách nhiệt bột xốp xung quanh, giúp hầm được cách nhiệt nhiệt lớp. Ông Trí nói: “Kết quả thi công thử nghiệm, các tàu cá có thể tiếp kiệm 41.680 đồng trên mỗi kilogam cá khai thác”.

Bà Ngô Thị Kim Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong các năm qua, ngư dân Đà Nẵng đã tự trang bị hoặc được chuyển giao nhiều ứng dụng KH&CN tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá, giảm sức lao động trực tiếp của ngư dân. Ngoài các hệ thống làm lạnh hiện đại, các công nghệ mới như máy dò ngang, máy thu câu, máy nhận dạng tự động, máy thông tin liên lạc tầm xa... đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trên thực tế, tổng sản lượng khai thác hải sản của Đà Nẵng hằng năm không chênh lệch lớn, dao động từ 38.500-43.000 tấn với tổng giá trị 1.500-1.750 tỷ đồng. Song, giá trị khai thác hải sản lại tăng theo từng năm, giá trị của năm 2018 tăng 150% so với năm 2010. Điều này chứng tỏ ngư dân đã bắt đầu tập trung vào khai thác các sản phẩm có giá trị kinh tế, nâng cao nhận thức về bảo quản sản phẩm.

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.