Các nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam đều khẳng định sẽ bảo đảm tốc độ truy cập Internet cho khách trong lúc ba tuyến cáp quang biển đang gặp sự cố.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Theo thông tin từ Trung tâm điều hành cáp quang biển, sự cố trên tuyến cáp AAG xảy ra vào sáng 22-12 đã làm mất tổng dung lượng 1.100 Gb trên tổng số 3.785,5 Gb quốc tế qua cáp biển này.
Tuyến cáp quang biển AAG có tổng chiều dài 20.000km và dung lượng thiết kế đạt đến 2 terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Hiện nay hầu hết các nhà mạng lớn ở Việt Nam đều đang khai thác bao gồm VNPT, FPT, Viettel…
Trước đó, tuyến cáp biển AGG cũng đang gặp sự cố từ ngày 14-11 trên nhánh cáp S1H tại vị trí cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 163km và dự kiến khôi phục vào ngày 2-1-2020.
Như vậy, đường cáp AAG đang gặp cùng lúc tới 2 sự cố, khiến Internet từ Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng.
Trên thực tế, mặc dù tuyến cáp biển AAG lại gặp sự cố, song mức độ ảnh hưởng lại không lớn. Theo các đơn vị cung cấp dịch vụ Internet (ISP), trong khoảng 3 năm gần đây, vì tuyến cáp quang biển AAG thường xuyên gặp sự cố nên các nhà mạng như Viettel, CMC Telecom, NetNam… đã có kế hoạch để giảm tỷ trọng dung lượng kết nối quốc tế qua tuyến cáp.
Dung lượng Internet Việt Nam đã được bổ sung thêm qua các tuyến cáp mới là APG (đầu năm 2017) và AAE-1 (đầu năm 2018) nên tỷ trọng dung lượng qua TGN-IA và AAG giảm đi, và Internet Việt Nam sẽ ảnh hưởng ít hơn trước khi có một trong những tuyến cáp quốc tế gặp sự cố.
Mặt khác, khi các tuyến cáp quang biển gặp sự cố, các nhà mạng đã có kế hoạch tổ chức định tuyến, ưu tiên lưu lượng trên các hướng cáp biển khác nhằm đảm bảo chất lượng kết nối quốc tế cho khách hàng trong dịp lễ, Tết sắp tới.
Đại diện nhà mạng VNPT cho biết, hiện đơn vị đã tiến hành cân tải với các đường truyền quốc tế khác để đảm bảo việc sử dụng Internet của người dùng VNPT vẫn diễn ra bình thường.
Cụ thể, VNPT đã đưa vào khai thác điểm đường truyền Internet quốc tế mới tới Hồng Kông – trung tâm dữ liệu lớn nhất khu vực.
Đường truyền này giúp VNPT tiết kiệm thời gian điều chỉnh định tuyến và cân tải lưu lượng cũng như thời gian tối ưu lưu lượng cho khách hàng, do đó chất lượng dịch vụ luôn được đảm bảo.
Việc mở thêm biên mạng (POP – Point Of Presence) tại Hồng Kông vào cuối năm 2018 đã đảm bảo khách hàng VNPT có đường truyền Internet ổn định ngay cả khi gặp sự cố đứt cáp quang biển quốc tế.
Trong khi đó Viettel cho biết, nhà mạng này đã hoàn thành bổ sung thêm 300Gbps đối với hướng cáp biển APG vào tuần trước và đang tiếp tục phối hợp với các đối tác để tăng cường thêm tài nguyên cho các hướng còn lại nhằm bảo đảm chất lượng kết nối không chỉ cho khách hàng mà cho cả các doanh nghiệp, nhà mạng khác đang thuê kênh kết nối quốc tế của Viettel.
Riêng với hướng đất liền, Viettel còn có lợi thế khác là sở hữu đường vu hồi quốc tế quan trọng qua tuyến cáp trục Đông Dương, kết nối 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia...
Cả hai nhà mạng đều cho hay, trong thời gian các tuyến cáp trên xảy ra sự cố, việc truy cập internet quốc tế, đặc biệt là các dịch vụ phổ dụng như Gmail, Google, Facebook hay YouTube vẫn được đảm bảo. Khách hàng VNPT có thể yên tâm sử dụng dịch vụ, kể cả vào giờ cao điểm.
Theo Vietnam+