Sản phẩm khoa học hướng đến cộng đồng

.

Mới đây, Trường Đại học Duy Tân ra mắt sản phẩm huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu, hồi sức tim phổi. Ứng dụng thực tiễn, sản phẩm hứa hẹn giúp người dân có cơ hội tự trang bị cho mình kỹ năng sơ cấp cứu, hồi sức tim phổi, cứu người bị nạn.
 

Sản phẩm eCPR ra mắt tháng 11 vừa qua đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn.
Sản phẩm eCPR ra mắt tháng 11 vừa qua đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn.

Hệ thống Huấn luyện kỹ năng hồi sức tim phổi vì cộng đồng (eCPR) được xây dựng dựa trên sự kết hợp giữa công nghệ mô phỏng thực tế ảo 3D và IoT (internet vạn vật) với các cảm biến xử lý thông minh trên mô hình theo thời gian thực. Cụ thể, với mô hình mô phỏng cơ thể người được đặt sẵn cố định, người thực hiện sẽ tiến hành các bước ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt, cấp cứu thành công với thang điểm chấm cuối cùng. Nếu trong quá trình thực hiện, có bước nào sai, máy sẽ báo hiệu và phân tích đúng, sai.

Sản phẩm do Trung tâm Mô hình hóa và mô phỏng của Trường Đại học Duy Tân thực hiện. Ý tưởng sản phẩm xuất phát từ Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân Lê Nguyên Bảo. Trong những chuyến công tác nước ngoài, anh Lê Nguyên Bảo thường nhìn thấy các máy eCPR đặt ở những nơi công cộng để phục vụ cộng đồng. Từ đó, anh mong muốn ở quê hương mình cũng có sản phẩm tương tự. Tuy nhiên, tại Việt Nam, những máy như vậy chỉ được dùng trong các lĩnh vực chuyên ngành vì giá thành khá cao. Sau thời gian suy nghĩ, anh giao nhiệm vụ cho Trung tâm Mô hình hóa và mô phỏng của trường nghiên cứu để tạo ra sản phẩm tương tự phục vụ cộng đồng.

Thạc sĩ Lê Văn Chung, Giám đốc Trung tâm Mô hình hóa và mô phỏng của trường cho biết, sau thành công của sản phẩm “Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe” (sản phẩm đạt giải nhất lĩnh vực công nghệ thông tin giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017), trung tâm cũng khá tự tin để nghiên cứu sản phẩm mới.

Tuy nhiên, vì các thành viên của trung tâm đều là dân công nghệ thông tin nên khi lên ý tưởng và bắt tay thực hiện, nhóm mất gần một năm đọc các tài liệu chuyên ngành về sơ cấp cứu, tham vấn bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu, tìm hiểu hoạt động của ki-ốt tương tự ở các nước được đặt ở sân bay, nơi công cộng... Sau đó, phải qua nhiều lần điều chỉnh mới cho ra sản phẩm có những cái mới so với sản phẩm truyền thống. “Chẳng hạn, sản phẩm này sẽ ghi lại những hành động, lực nhấn, tần suất... của người thực hiện và tiến hành đánh giá đúng hay sai, tốc độ nhanh hay chậm và chấm điểm, đưa ra lời khuyên cho lần tiếp theo. Nếu thực hiện đạt 50-60% thì hoàn toàn có khả năng sơ cứu cơ bản. Với những người chưa có kỹ năng sơ cấp cứu nhưng thực hành hơn 3 lần sẽ nắm được kỹ năng cơ bản”, thạc sĩ Lê Văn Chung nói.

Cũng theo thạc sĩ Lê Văn Chung, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2016, có đến 31% ca tử vong liên quan đến tim mạch, 92% trong số này chết trước khi đến bệnh viện do không được sơ cấp cứu với eCPR. Ngoài ra, theo báo cáo của Bệnh viện Việt Đức, tại Việt Nam, 50% nạn nhân trước khi đến bệnh viện không được sơ cứu hoặc sơ cứu sai khiến tình trạng của nạn nhân trở nên nặng hơn, thậm chí tử vong.

Do vậy, trong cuộc sống thường ngày, bất cứ ai cũng có thể gặp những tình huống tai nạn bất ngờ và nguy hiểm như: đột quỵ, đuối nước, tắt tuần hoàn, dẫn đến ngưng tim, phổi... Những tình huống này cần sơ cấp cứu ngay trước khi đưa đến bệnh viện. Với việc sơ cấp cứu không đúng cách không những không giúp cho người bị nạn mà khiến họ tổn thương thứ phát, nặng nề hơn, thậm chí dẫn đến tử vong. Khi đối mặt với tình huống nguy cấp, chúng ta thường luống cuống, mất bình tĩnh dẫn đến những hành động không kịp thời thậm chí còn là những sai lầm nguy hiểm. Điều quan trọng nhất của việc học sơ cấp cứu đem lại đó là kỹ năng sơ cấp cứu đúng cách, sự bình tĩnh khi đối mặt với những tình huống nguy cấp nhất.

Vì thế, eCPR vừa ra mắt tháng 11 vừa qua đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn về sự tối ưu, đơn giản, dễ hiểu nhất để có thể huấn luyện, hình thành các kỹ năng sơ cấp cứu, hồi sức tim phổi dễ dàng cho người dân ở mọi lứa tuổi, chỉ trong vài phút. “Trước mắt, sản phẩm được sử dụng đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên khối ngành sức khỏe của trường. Trong tương lai, kỳ vọng sản phẩm sẽ được sản xuất rộng rãi, đặt tại các khu vực công cộng như trạm giao thông, trường học, cơ sở y tế, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí... để cung cấp thông tin và bài tập thực hành đến những người quan tâm. Qua đó, mỗi người sẽ có cơ hội tự trang bị cho mình kỹ năng sơ cấp cứu, hồi sức tim phổi, cứu người bị nạn”, tiến sĩ Lê Nguyên Bảo nói.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.