Dữ liệu - 'huyết mạch' của thành phố thông minh

.

Đối với Đà Nẵng, việc thu thập, xử lý dữ liệu chính là nền tảng xây dựng các ứng dụng thành phố thông minh, giải quyết các vấn đề đô thị hiện đại.

Để phục vụ việc tra cứu thông tin qua Tổng đài dịch vụ công 1022, Đà Nẵng đã xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.  Ảnh: KHANG NINH
Để phục vụ việc tra cứu thông tin qua Tổng đài dịch vụ công 1022, Đà Nẵng đã xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Ảnh: KHANG NINH

Lần đầu đến Đà Nẵng, chị Nguyễn Hải Linh (30 tuổi, trú Hà Nội) quyết định tìm ăn món bún chả cá ngon “có tiếng” của thành phố biển miền Trung theo lời giới thiệu của các trang thông tin du lịch trên mạng. Để “chắc ăn”, chị muốn chọn một tiệm uy tín, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Được Trung tâm Xúc tiến du lịch hướng dẫn, chị Linh kết nối với tài khoản “Tổng đài 1022 Đà Nẵng” trên Zalo để tra cứu các tiệm ăn có giấy phép. Chị ngạc nhiên: “Không ngờ việc tra cứu này lại dễ dàng đến vậy. Cũng ngay trên Zalo, mình còn có thể tra lịch xe bus, phù hiệu xe du lịch…, những thông tin này rất hữu ích đối với khách du lịch như mình”.

Việc tra cứu thông tin qua Tổng đài dịch vụ công 1022 đã được Đà Nẵng triển khai từ giữa năm 2018. Để làm được điều này, thành phố phải xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Điển hình, CSDL an toàn thực phẩm nhằm phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm; hỗ trợ người dân tra cứu các nhà hàng, quán ăn đường phố, cơ sở chế biến, cơ sở sản xuất đạt chuẩn an toàn thực phẩm. CSDL cơ sở y tế - phòng khám giúp người dân biết địa chỉ, thông tin nguời phụ trách và giấy phép hoạt động của các đơn vị khám chữa bệnh....

Thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, trong năm 2019, Đà Nẵng đã hoàn thiện 6 CSDL nền gồm: CSDL công dân (hơn 1 triệu bản ghi, đạt 100%), CSDL công chức viên chức (hơn 30.400 bản ghi, đạt 100%), CSDL thủ tục hành chính, CSDL doanh nghiệp, CSDL bản đồ nền, CSDL đất đai.

Các CSDL này được chia sẻ, dùng chung trên hệ thống chính quyền điện tử (eGov) của thành phố. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đã xây dựng và đưa vào sử dụng khoảng 130 CSDL chuyên ngành như: CSDL nhân hộ khẩu, công chứng, cấp phép xây dựng, an toàn thực phẩm, thanh tra, khiếu nại, tố cáo, quan trắc môi trường, cây xanh, hộ tịch, hồ sơ sức khỏe, bệnh án điện tử, học bạ điện tử…

Đặc biệt, trong năm 2018 và 2019, thành phố đã đầu tư xây dựng phần mềm quản lý Nhà nước và CSDL chuyên ngành cho 18 sở, ban, ngành và xây dựng thí điểm Văn phòng số cho UBND quận Sơn Trà. Dự kiến đến năm 2020, thành phố sẽ xây dựng khép kín các CSDL chuyên ngành của 100% sở, ban, ngành và 100% UBND quận, huyện.

Các CSDL chuyên ngành sẽ được tích hợp vào kho dữ liệu dùng chung của thành phố để thực hiện phân tích dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định cho chính quyền các cấp. Đầu tháng 10 vừa qua, Đà Nẵng đã hoàn thành xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến cấp thành phố (tại địa chỉ https://dichvucong.danang.gov.vn), kết nối với các CSDL nền và chuyên ngành để công khai thông tin cho tổ chức, nhân dân.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Quang Thanh cho biết, Đà Nẵng dựa trên dữ liệu và thông tin được thu thập, lưu trữ, giám sát, phân tích và xử lý để giải quyết các thách thức trong quản lý đô thị hiện đại. Do đó, dữ liệu chính là hạ tầng và là yếu tố quyết định trong xây dựng và phát triển thành phố.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Thành phố thông minh được tổ chức ở Đà Nẵng vào cuối tháng 10 vừa qua, Tổng Giám đốc Công ty CP VNG Vũ Minh Trí cho hay, 5 loại dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong phát triển thành phố thông minh là: dữ liệu nội bộ; dữ liệu từ nguồn bên ngoài; dữ liệu do người dân cung cấp; nguồn dữ liệu mở; dữ liệu từ các cảm biến, thiết bị. Các dữ liệu này được cập nhật, thu thập, xử lý, phân tích và lưu trữ bằng công nghệ điện toán đám mây. Từ nền tảng dữ liệu đó, có thể phát triển những ứng dụng mang lại giá trị cho người dùng.

Trung tâm Dữ liệu Đà Nẵng có dung lượng lưu trữ đến 100TB, được thiết kế và vận hành theo tiêu chuẩn TIER III. (Ảnh do Trung tâm Dữ liệu Đà Nẵng cung cấp).
Trung tâm Dữ liệu Đà Nẵng có dung lượng lưu trữ đến 100TB, được thiết kế và vận hành theo tiêu chuẩn TIER III. (Ảnh do Trung tâm Dữ liệu Đà Nẵng cung cấp).

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Đà Nẵng đang áp dụng 2 mô hình thu thập dữ liệu: mô hình phân tán đối với thành phố thông minh và mô hình tập trung đối với chính quyền điện tử. Sở dĩ có sự khác biệt này là bởi các dữ liệu trong mô hình chính quyền điện tử có yêu cầu cao về tính chính trị và bảo mật. Hiện Trung tâm Dữ liệu Đà Nẵng (ở số 2 đường Quang Trung, quận Hải Châu) có dung lượng lưu trữ đến 100TB, được thiết kế và vận hành theo tiêu chuẩn TIER III, sử dụng công nghệ ảo hóa và có khả năng mở rộng nhanh, đáp ứng nhu cầu lưu trữ dữ liệu, thực hiện các dịch vụ quản lý tên miền, lưu ký tất cả các ứng dụng dùng chung và CSDL của thành phẩm, bảo đảm tài nguyên phục vụ vận hành chính quyền điện tử.

Trung tâm dữ liệu được trang bị hệ thống bảo đảm an toàn thông tin chuyên dùng như tường lửa, thiết bị phát hiện và phòng chống xâm nhập trái phép (IDS/IPS),  cần bằng tải, lọc thư rác. Hiện Trung tâm Dữ liệu được quản lý và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 27001:2013. “Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước là thu thập dữ liệu chính xác, an toàn, tạo ra hạ tầng, chính sách, ứng dụng… để cung cấp dữ liệu như một dịch vụ, từ đó giúp người dân đưa ra quyết định”, ông Thanh nói:  

Tuy nhiên, việc xây dựng và sử dụng các CSDL ở Đà Nẵng vẫn gặp phải một số thách thức. Trong thời gian chờ nghị định về chia sẻ dữ liệu được Chính phủ chính thức ban hành, Đà Nẵng đã chủ động ban hành tạm thời quy chế về việc chia sẻ dữ liệu trên địa bàn thành phố (Quyết định số 846/QĐ-UBND ngày 21-2-2019) để các cơ quan Nhà nước trên địa bàn thành phố có cơ sở thực hiện chia sẻ dữ liệu. Song, theo ông Thanh, vẫn còn tình trạng cát cứ, thiếu liên thông và chia sẻ.

Một trong những lý do là hiện chưa có tài liệu kỹ thuật ban hành chính thức để hướng dẫn tích hợp với Trục liên thông dữ liệu quốc gia (NGSP); đồng thời còn thiếu các quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu, phân cấp trách nhiệm trong việc tổ chức thu thập, quản lý, phân loại và chia sẻ dữ liệu. Việc một số CSDL quốc gia (về dân cư, đất đai...) triển khai chậm và không có tiến độ chi tiết dẫn đến tình trạng các địa phương lúng túng trong việc tự bố trí kinh phí để xây dựng CSDL của mình vì sợ trùng lặp. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực để vận hành các CSDL cũng đòi hỏi ở trình độ cao.

Theo Đề án Xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng giai đoạn 2018- 2025, và định hướng đến 2030, đến hết năm 2020, Đà Nẵng sẽ hình thành hạ tầng, nền tảng và CSDL thông minh, đóng vai trò là nền tảng dung chung cho các ứng dụng thành phố thông minh. Trong năm 2020, sẽ hoàn thành Cổng dịch vụ dữ liệu giai đoạn 2 và Kho dữ liệu tập trung. Giai đoạn 2020-2025, Trung tâm Dữ liệu Đà Nẵng sẽ được triển khai giải pháp điện toán đám mây, công nghệ mới để bảo đảm cho các dịch vụ dữ liệu lớn, bảo vệ an toàn an ninh thông tin và dự phòng thảm họa; đồng thời hoàn thiện hầu hết CSDL chuyên ngành bao gồm chia sẻ, liên thông dữ liệu; tạo ra hệ thống dữ liệu mở nhằm công khai, minh bạch thông tin và hỗ trợ cá nhân, tổ chức tham gia tạo ra nhiều ứng dụng thông minh.

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.