Công nghệ thông tin - hướng đột phá trong phát triển

.

Với tốc độ tăng trưởng bình quân gần 35%/năm, ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đang đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng.

Công viên Công nghệ thông tin Đà Nẵng (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) hiện là Khu Công nghệ thông tin tập trung có diện tích lớn nhất cả nước, bao gồm công nghiệp phần mềm và phần cứng. Ảnh: KHANG NINH
Công viên Công nghệ thông tin Đà Nẵng (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) hiện là Khu Công nghệ thông tin tập trung có diện tích lớn nhất cả nước, bao gồm công nghiệp phần mềm và phần cứng. Ảnh: KHANG NINH

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, trong năm 2019, doanh thu ngành công nghiệp CNTT đạt 19.570 tỷ đồng, tăng 21,3% so với năm 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 34%. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 89 triệu USD, tăng 14,3% so với năm 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2015 - 2019 là khoảng 27%. Ngành công nghiệp CNTT hiện đóng góp khoảng 7% GRDP thành phố.

Đây là những con số “biết nói” sau chặng đường gần 20 năm xây dựng một ngành công nghiệp non trẻ. Năm 2000 đánh dấu thời điểm Đà Nẵng bắt đầu hình thành và phát triển ngành công nghiệp phần mềm với Nghị quyết số 07-NQ/TU do Ban Thường vụ Thành ủy ban hành ngày 3-10-2000, với mục tiêu phấn đấu xây dựng Đà Nẵng sớm trở thành trung tâm phát triển công nghiệp phần mềm của miền Trung và của cả nước. Đây được xem là hướng đột phá về tư duy phát triển kinh tế tri thức dựa trên nền tảng CNTT. Đến Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XX (2010-2015) và lần thứ XXI (2016-2020), CNTT trở thành một trong 5 đột phá để phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Nói về hướng đi có tính đột phá này, ông Phạm Kim Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng, nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho hay: “Nhiều quốc gia phát triển đã đạt được những thành tựu trong việc ứng dụng và phát triển CNTT, tạo ra những giá trị mới làm thay đổi phương thức sản xuất và đời sống xã hội, tạo động lực thúc đẩy và phát triển kinh tế-xã hội nhanh chóng. Thực tiễn đã chứng minh đây là một ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, là cơ sở để thúc đẩy và phát triển các ngành kinh tế khác, thậm chí có thể nói, CNTT là hạ tầng của các hạ tầng. Muốn phát triển ngành nào cũng cần phát triển CNTT”. 

Các công ty xuất khẩu phần mềm quy mô lớn tại Đà Nẵng đã chuyển dần sang cung cấp nhiều dịch vụ chất lượng cao thay vì tập trung vào gia công phần mềm giá rẻ. TRONG ẢNH: Người lao động làm việc tại Công ty FPT Software Đà Nẵng.  Ảnh: KHANG NINH
Các công ty xuất khẩu phần mềm quy mô lớn tại Đà Nẵng đã chuyển dần sang cung cấp nhiều dịch vụ chất lượng cao thay vì tập trung vào gia công phần mềm giá rẻ. TRONG ẢNH: Người lao động làm việc tại Công ty FPT Software Đà Nẵng. Ảnh: KHANG NINH

Sau Nghị quyết số 07-NQ/TU, nhiều đề án, dự án chương trình phát triển CNTT đã được triển khai tại Đà Nẵng. Lúc này, vấn đề xây dựng và phát triển lực lượng CNTT chủ lực trở nên vô cùng quan trọng.

Cuối năm 2000, Trung tâm Công nghệ phần mềm Đà Nẵng - Softech ra đời với hơn 200 cán bộ cùng chiến lược phát triển tập trung vào con người, đào tạo lực lượng cho chính mình và cho xã hội, liên kết mọi nguồn lực để phát triển. Dần dần, những doanh nghiệp lớn về CNTT bắt đầu “để mắt” đến Đà Nẵng.

Năm 2005, Công ty FPT Software chọn Đà Nẵng làm nơi đặt trụ sở đầu tiên tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Năm 2007, Công ty CP Công nghệ Tâm Hợp Nhất (Unitech) được thành lập, hoạt động chính trong các lĩnh vực phát triển gia công, cho thuê phần mềm và thiết kế-thi công mạng.

Năm 2008, Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng (nay là Khu CNTT tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng) đi vào hoạt động ở địa chỉ số 2 và 15 Quang Trung (quận Hải Châu). Từ những ngày đầu chật vật thu hút doanh nghiệp, đến nay, tỷ lệ lấp đầy ở đây đã đạt 99% với 72 công ty đang hoạt động, lũy kế đã nộp ngân sách Nhà nước hơn 158 tỷ đồng, đạt 98,2% so với tổng mức đầu tư xây dựng.

Hiện trên địa bàn thành phố có 1.720 doanh nghiệp hoạt động trong ngành CNTT, chia thành 7 lĩnh vực: thiết kế vi mạch, kiểm thử phần mềm, thiết kế game, gia công quy trình doanh nghiệp, phần mềm nhúng, chính phủ điện tử và gia công phần mềm. Ngành CNTT hiện có 36.500 lao động, với năng suất đạt khoảng 536 triệu đồng/người/năm.

Nhìn vào các con số, có thể thấy rõ sự tăng trưởng của ngành này trong những năm qua. Năm 2003, cả thành phố chỉ có vài cơ sở với doanh thu 200 tỷ đồng/năm và xuất khẩu với giá trị kim ngạch chỉ vài chục ngàn USD. Hơn 10 năm sau, số lượng doanh nghiệp CNTT tại Đà Nẵng cũng mới chỉ có 400, số lao động làm việc trong ngành chỉ bằng một nửa hiện tại. Thu nhập trung bình của người lao động CNTT vào thời điểm đó cũng chỉ có 12,7 triệu đồng/tháng....

Ông Đặng Ngọc Hải, Giám đốc Công ty TNHH Axon Active Việt Nam (Chi nhánh Đà Nẵng), Tổng Thư ký Hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng nhận định, đối với các doanh nghiệp CNTT, Đà Nẵng có lợi thế từ các chính sách hỗ trợ đầu tư từ thành phố, môi trường sống tốt, chi phí sinh hoạt thấp hơn so với hai đầu đất nước…

Trong những năm qua, Đà Nẵng tiếp tục là điểm đến mới khá hấp dẫn với các doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước, bao gồm các doanh nghiệp đã có mặt ở Việt Nam muốn mở chi nhánh tại Đà Nẵng, cũng như các công ty nước ngoài xây dựng trung tâm phát triển phần mềm tại Đà Nẵng để tìm kiếm nguồn lực gia công.

Hiện Nhật Bản và Mỹ vẫn là những thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong bức tranh tổng thể về xuất khẩu phần mềm tại Đà Nẵng (chiếm 78% trong năm 2018). Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp mới đến từ thị trường châu Âu, Úc... cũng đã đến đặt văn phòng tại thành phố.

Ông Hải nhìn nhận: “Đây có thể là một hướng phát triển mới cho ngành phần mềm Đà Nẵng một vài năm tới. Những công ty này sẽ tạo ra nhiều việc làm thu nhập cao, góp phần nâng cao mức sống của kỹ sư phần mềm tại Đà Nẵng, qua đó thu hút nhân lực về làm việc tại đây.

Bên cạnh đó, các công ty xuất khẩu phần mềm quy mô lớn tại Đà Nẵng cũng đã chuyển dần sang cung cấp nhiều dịch vụ chất lượng cao thay vì tập trung vào gia công phần mềm giá rẻ. Đây là một tín hiệu tốt để chúng ta không bị mắc kẹt lại trong bẫy gia công giá rẻ trong tương lai”.

Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định trong quá trình phát triển công nghiệp Công nghệ thông tin ở Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Wakumo. Ảnh: KHANG NINH
Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định trong quá trình phát triển công nghiệp Công nghệ thông tin ở Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Wakumo. Ảnh: KHANG NINH

Đi cùng với sự phát triển này là những khó khăn và thách thức vẫn tồn tại bấy lâu nay và chưa có nhiều giải pháp thật sự hiệu quả. Đặc biệt là khó khăn trong việc cung cấp không gian làm việc đặc thù cho ngành CNTT và sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong năm 2019, nhiều doanh nghiệp đã phải liên tục tìm kiếm văn phòng mới để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của mình, tạo ra những khó khăn không nhỏ trong việc ổn định sản xuất. Giữa năm 2019, Thành ủy ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU về phát triển hạ tầng CNTT và truyền thông tiếp cận xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0. Với Đà Nẵng, quỹ đất không còn nhiều, nên hiệu quả sử dụng đất đòi hỏi phải nâng lên.

Đặc thù của ngành CNTT dựa chủ yếu vào nhân lực chất lượng, điều này cũng phù hợp với Đà Nẵng khi đây là trung tâm kinh tế, giáo dục của miền Trung, có sức hút lớn với lao động “chất xám”. Tuy vậy, theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, nguồn cung nhân lực chất lượng cao vẫn còn thiếu, khiến cho việc tuyển dụng khó khăn đối với nhiều công ty, chi phí tăng cao đi đôi với tỷ lệ nhảy việc cao khiến cho nhiều doanh nghiệp “đau đầu” trong bài toán cân đối năng suất lao động và hiệu quả đầu tư.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Quang Thanh cho biết, hiện Đà Nẵng có khoảng 12.000 nhân sự trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm phần mềm và gia công xuất khẩu phần mềm. Dự báo đến năm 2025, thành phố cần khoảng 35.600 nhân sự trong lĩnh vực này. Ông Thanh cho rằng: “Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quyết định, mang tính chiến lược, cần sự tham gia của tất cả các bên gồm cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ sở đào tạo, các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp CNTT trên địa bàn thành phố”.

Theo đó, Đà Nẵng sẽ triển khai đồng loạt các biện pháp như: đẩy mạnh truyền thông về phát triển nguồn nhân lực thông qua các sự kiện CNTT, các chương trình tọa đàm, hướng nghiệp; nâng cao chất lượng dự báo phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng lực doanh nghiệp và khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT; nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực CNTT bằng việc hợp tác, gắn kết với các doanh nghiệp để đào tạo sinh viên...

Trong chiến lược phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, Đà Nẵng xác định nhiệm vụ “phát triển điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin gắn với nền kinh tế số” là một trong 5 nhiệm vụ ưu tiên triển khai; đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2025, CNTT đóng góp vào 10% GRDP của thành phố và năm 2030 là 15% GRDP.

Đầu tháng 1-2020, Thủ tướng Chính phủ công bố thành lập Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng - giai đoạn 1 (Công viên công nghệ thông tin (CNTT) Đà Nẵng - DITP) ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang (điểm giao đường Nguyễn Tất Thành nối dài và đường tránh Nam Hải Vân, gần với Khu Công nghệ cao thành phố). Với diện tích 341ha, DITP hiện là Khu CNTT tập trung có diện tích lớn nhất cả nước, cũng là Khu CNTT tập trung đầu tiên tại Việt Nam có cả công nghiệp phần mềm và phần cứng.

Ở giai đoạn 1, sẽ có 47ha diện tích đất dành cho các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử theo mô hình của Thung lũng Silicon (Mỹ). Trong năm 2020, tại DITP sẽ có 10 nhà máy vận hành các dây chuyền công nghệ SMT (tức công nghệ “dán bề mặt”, dùng trong chế tạo bo mạch), sản xuất linh kiện điện tử và bo mạch in cho thị trường Đài Loan  (Trung Quốc) và Mỹ.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.