Các nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) vừa sáng chế và đưa vào sử dụng hai thiết bị công nghệ gồm máy đo thân nhiệt từ xa và robot vận chuyển thức ăn vào khu cách ly người bệnh (robot “BK - Anticovid”). Đây là các sản phẩm được các nhà nghiên cứu, giảng viên thuộc ĐHĐN dành nhiều tâm huyết thực hiện nhằm chung tay cùng toàn xã hội trong cuộc chiến chống Covid-19.
Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng với sản phẩm robot “BK-Anticovid”. Ảnh: NGỌC HÀ |
Trước thực tế các máy đo thân nhiệt hồng ngoại được sử dụng phổ biến hiện nay, khoảng cách giữa người đo và người được đo là rất sát, chỉ cách nhau khoảng 5-10cm, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo virus trong cộng đồng rất cao, lại đắt tiền, nhóm nghiên cứu Động cơ sử dụng năng lượng tái tạo (GATEC), Trường Đại học Bách khoa-ĐHĐN, do GS, TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT làm trưởng nhóm đã nhanh chóng bắt tay nghiên cứu và nhanh chóng cho ra mắt sản phẩm máy đo thân nhiệt từ xa, với giá thành chưa đến 10 triệu đồng.
Thiết bị có cấu tạo gồm 1 máy đo thân nhiệt hồng ngoại thông dụng (hoặc cảm biến nhiệt độ hồng ngoại), 1 webcam, một máy tính xách tay hay máy tính bảng (Ipad), điện thoại thông minh để đọc kết quả. Kết quả đo sẽ được camera chuyển đến màn hình của nhân viên y tế qua internet. Nhân viên y tế có thể thực hiện công việc quan sát và đo thân nhiệt từ xa cho khách trong phòng cách ly, có cửa kính. Thiết bị có hệ thống nâng hạ chiều cao tự động để điều chỉnh cụm máy đo nhiệt độ-camera phù hợp với chiều cao người cần đo để bảo đảm độ chính xác.
Trong khi đó, theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, chế tạo robot là một thế mạnh của nhà trường. Vừa qua, trường nhận được đặt hàng của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đề cập vấn đề chế tạo robot đưa thức ăn đến buồng các trường hợp trong diện cách ly. Với quyết tâm cao, nhóm nghiên cứu cũng như các bộ môn liên quan và nhà trường đã phối hợp đồng bộ, triển khai ý tưởng, giải pháp công nghệ và gấp rút chế tạo.
Đo nhiệt độ bằng thiết bị đo thân nhiệt từ xa được lắp đặt, sử dụng ngay tại cổng chính của Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ |
Theo TS Võ Như Thành, Trưởng bộ môn Cơ điện tử, khoa Cơ khí (đơn vị tham gia nhóm nghiên cứu), từ khi nhận yêu cầu đặt hàng cho đến khi ra sản phẩm, nhóm nghiên cứu có khoảng 7 ngày. Trong đó, công việc thiết kế, chế tạo, lập trình, gia công linh kiện, chế tạo mạch đấu nối dây và khung giàn chỉ 5 ngày và kiểm tra chạy thử trong 2 ngày.
“Khó nhất trong chế tạo robot “BK-Anticovid” là sản phẩm phải khép kín để đạt yêu cầu chống nước, tính toán công suất động cơ sao cho đủ tải và gia công cơ khí. Trong một thời gian rất ngắn, với sự hỗ trợ của 3 cựu sinh viên giỏi của khoa cùng những xưởng cơ khí quen biết, nhóm nghiên cứu đã lắp ráp và vận hành thành công robot trọng tải khoảng 100kg”, TS Võ Như Thành cho biết.
Sẵn sàng phục vụ cộng đồng
Nhận robot “BK-Anticovid” từ Trường Đại học Bách khoa, TS, BS Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng đánh giá cao tính hữu ích và hiệu quả của sản phẩm trong công tác phòng, chống Covid-19 của bệnh viện. Bởi, robot này có thể vận chuyển thức ăn, nhu yếu phẩm, đồng thời có thể theo dõi quan sát tình trạng đối tượng được cách ly từ xa, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên y tế và người bệnh; nhờ đó, bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm chéo SARS-CoV-2.
GS, TSKH Bùi Văn Ga chia sẻ, GATEC mong muốn phổ biến rộng rãi thiết bị đo thân nhiệt từ xa cho cộng đồng để góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. “Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho cơ quan, trường học, doanh nghiệp… để tự chế tạo hoặc chúng tôi chế tạo và cung cấp theo yêu cầu, hoàn toàn không vì lợi nhuận”, GS, TSKH Bùi Văn Ga nhấn mạnh.
PGS, TS Đoàn Quang Vinh cho biết, nhà trường đang nghiên cứu, bổ sung tính năng đo thân nhiệt từ xa cho robot “BK - Anticovid”, tính năng vận chuyển những đồ vật khác có tải trọng nặng hơn, không thể di chuyển bằng sức người…; đồng thời, chế tạo và phát triển sản phẩm cho các bệnh viên, đơn vị có nhu cầu trong cả nước khi được đặt hàng trong thời gian đến.
Nhiều đơn vị đặt hàng máy đo thân nhiệt từ xa của Đại học Đà Nẵng Đại học Đà Nẵng cho biết, chỉ sau vài ngày đưa vào sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa - sáng kiến của nhóm nghiên cứu động cơ sử dụng năng lượng tái tạo do GS, TSKH Bùi Văn Ga làm trưởng nhóm, Đại học Đà Nẵng đã nhận được các “đặt hàng” từ nhiều đơn vị, cơ quan, địa phương trong cả nước như: Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Sở Khoa học-Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, một số tỉnh phía bắc, đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh... Để động viên, khuyến khích những nghiên cứu sáng chế khoa học có đóng góp thiết thực cho cộng đồng, vừa qua, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ - Đại học Đà Nẵng đã hỗ trợ 30 triệu đồng cho sáng chế robot “BK-Anticovid”; trao giấy khen kèm theo tiền thưởng 10 triệu đồng cho sáng kiến của GS.TSKH Bùi Văn Ga. |
NGỌC HÀ