Ứng dụng thiết bị công nghệ trong tác nghiệp

.

Sự phát triển của công nghệ thông tin khiến người làm báo đứng trước nhiều thách thức. Ngoài việc phải nhanh nhạy trong tiếp cận đề tài để đưa thông tin sớm đến bạn đọc, phóng viên còn phải trang bị thêm kỹ năng, tiếp cận các ứng dụng công nghệ mới phục vụ cho quá trình tác nghiệp hiệu quả hơn.

Nhà báo Vũ Thế Cường chia sẻ với phóng viên, nhà báo tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ “Sử dụng smartphone và các thiết bị di động trong tác nghiệp báo chí” tổ chức cuối tháng 3-2021.  Ảnh: ĐẮC MẠNH
Nhà báo Vũ Thế Cường chia sẻ với phóng viên, nhà báo tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ “Sử dụng smartphone và các thiết bị di động trong tác nghiệp báo chí” tổ chức cuối tháng 3-2021. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Chủ động học hỏi, cập nhật các ứng dụng mới

Thực tế hiện nay, với sự xuất hiện của các trang mạng xã hội, các nền tảng công nghệ mới khiến báo chí không còn là phương tiện truyền thông độc quyền. Vì thế, để cạnh tranh thông tin, mỗi người làm báo phải vận động, thay đổi, nắm bắt sự phát triển chung để kịp thời tiếp cận cách làm báo hiện đại.

Là một trong những phóng viên trẻ của Báo Đà Nẵng, từ nhiều năm nay, ngoài các bài viết ghi chép, phóng sự chất lượng, có chiều sâu, phóng viên Xuân Sơn còn có sự đầu tư chỉn chu về hình ảnh, video cho các ấn phẩm của báo. Anh chia sẻ, chỉ cần nhìn một bức ảnh đẹp, sáng, thông tin cô đọng là bạn đọc đã có hứng thú xem. Anh đã học hỏi, tìm hiểu từ cách khai thác đề tài, góc máy chụp, cách lấy nét, bố cục… để vận dụng cho phù hợp với các chuyên mục của Báo Đà Nẵng, nhất là trên ấn phẩm báo điện tử.

Xuân Sơn cho biết thêm, anh tích cực học hỏi những đồng nghiệp đi làm chung, tìm hiểu các ứng dụng dựng phim, chỉnh sửa hình ảnh, thu âm… Quá trình tự học giúp anh tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm để cho ra những sản phẩm báo ảnh, video đạt chất lượng tốt. Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan, đồng nghiệp, anh cũng cố gắng dành dụm, đầu tư mua mới trang thiết bị để hình ảnh đẹp, góc quay bắt mắt hơn (flycam, thiết bị quay cầm tay…) để có khuôn hình đẹp. “Thực tế, chúng ta đang ở thời đại 4.0, ứng dụng công nghệ và các thiết bị trong làm báo giúp việc tác nghiệp nhanh chóng, tiện lợi hơn, thông tin đến với bạn đọc cũng nhanh hơn”, phóng viên Xuân Sơn đánh giá.

Cũng thường xuyên ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quá trình tác nghiệp, phóng viên Bùi Quốc Toàn, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tại Đà Nẵng nhìn nhận, trong thời đại 4.0, tốc độ tác nghiệp của phóng viên đã được cải thiện rất nhiều nhờ thiết bị hiện đại như: smart phone, máy quay cầm tay, flycam… Thế nhưng, các báo khác cũng áp dụng công nghệ như vậy nên ngoài việc lao vào “cuộc đua” tin, bài thì còn cần yếu tố tư duy, nắm bắt, thể hiện đề tài của người viết. Toàn cho biết, để thuận lợi trong quá trình tác nghiệp, nhất là trong những sự kiện tin nóng, cần phát trực tiếp (live), anh thường ưu tiên sử dụng các thiết bị gọn nhẹ, trong đó có điện thoại thông minh (smartphone). Ngoài ra, trên thị trường còn bán nhiều sản phẩm như đầu đọc thẻ nhớ, dây cáp, ổ cứng di động để có thể truyền dữ liệu vào máy, lưu trữ một cách nhanh gọn và phòng những rủi ro khi bộ nhớ đầy hay máy hết pin. “Tôi cho rằng công nghệ chiếm khoảng 40% và là phương tiện hỗ trợ để người làm báo sản xuất ra các tin, bài nhanh, hiệu quả. Tuy nhiên, để nắm bắt kịp xu hướng, các phóng viên phải cập nhật công nghệ mới liên tục để tránh bị lỗi thời”, Toàn chia sẻ.

Khai thác tối đa thiết bị công nghệ trong tác nghiệp

Hiện nay, Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng rất quan tâm đến việc bồi dưỡng, bổ sung kiến thức mới cho đội ngũ phóng viên, báo chí trên địa bàn. Các khóa học ngắn hạn bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ được tổ chức vừa qua giúp các phóng viên, nhà báo nâng cao nghiệp vụ, tay nghề. 

Các phóng viên trên địa bàn  thành phố Đà Nẵng đang tác nghiệp bằng thiết bị di động trong một sự kiện kích cầu du lịch tại Đà Nẵng tháng 12-2020. Ảnh: NHẬT HẠ
Các phóng viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang tác nghiệp bằng thiết bị di động trong một sự kiện kích cầu du lịch tại Đà Nẵng tháng 12-2020. Ảnh: NHẬT HẠ

Trải qua khóa bồi dưỡng nghiệp vụ “Sử dụng smartphone và các thiết bị di động trong tác nghiệp báo chí” do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam (VJTC) phối hợp với Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng tổ chức dịp cuối tháng 3, theo phóng viên Trần Lan Anh, Báo Tài Nguyên và Môi trường - Văn phòng Đà Nẵng, ở thời đại bùng nổ công nghệ 4.0, việc sử dụng smartphone, các thiết bị công nghệ trong quá trình tác nghiệp đã trở nên quen thuộc với người làm báo, nhất là những vụ việc được dư luận quan tâm như: tai nạn, hỏa hoạn, sạt lở… Bởi vậy, qua khóa bồi dưỡng nghiệp vụ này, người học được tiếp cận với cách làm báo hiện đại, tận dụng tối đa các chức năng của các thiết bị công nghệ để có thể dựng được video clip, xử lý ảnh hoàn toàn bằng smartphone.

“Thay vì phải mở máy tính để gõ tin, bài như thường lệ, chúng tôi có thể trực tiếp tác nghiệp trên điện thoại di động để chuyển lời đọc thành văn bản và hình ảnh về tòa soạn một cách nhanh nhất. Đồng thời cũng có thể dùng điện thoại quay clip hiện trường, tự đọc âm và dựng trong khoảng 15 -20 phút, giúp cung cấp thông tin nhanh nhất cho bạn đọc. Là phóng viên thường xuyên tác nghiệp những vụ việc như sạt lở, xả thải trộm hay khai thác khoáng sản trái phép, việc sử dụng kỹ năng sản xuất tin bài trên smartphone sẽ giúp tôi nhanh chóng xử lý tin, bài tại hiện trường và gửi về tòa soạn một cách nhanh nhất”, phóng viên Lan Anh cho hay.

Theo nhà báo Vũ Thế Cường, giảng viên của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí kiêm giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong xu thế cạnh tranh về thông tin như hiện nay, việc tận dụng các phần mềm, thiết bị công nghệ trong quá trình tác nghiệp giúp các phóng viên, nhà báo sản xuất tin, bài nhanh mà vẫn bảo đảm các tiêu chí đề ra. Chỉ với một chiếc điện thoại di dộng có kết nối internet, phóng viên có thể vận dụng các phương thức, kỹ năng sử dụng các thiết bị di động để chụp ảnh, thiết kế đồ họa, quay video và hoàn chỉnh một tác phẩm báo chí. Quan trọng là người làm báo phải làm chủ được thiết bị công nghệ mà mình đang sở hữu để tận dụng tối đa các tính năng của thiết bị, phục vụ cho nghề nghiệp của mình. 

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích