Tận dụng nguồn lực để chuyển đổi số thành công

.

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045  xác định 5 lĩnh vực ưu tiên phát triển của Đà Nẵng, trong đó có phát triển công nghiệp, công nghệ thông tin (CNTT), điện tử, viễn thông gắn với kinh tế số. Với tiềm năng, kinh nghiệm và lợi thế sẵn có, đây là cơ hội để thành phố nắm bắt thời cơ, tận dụng tối đa nguồn lực giúp chuyển đổi số thành công.

Đà Nẵng được đánh giá có nhiều thế mạnh và thuận lợi trong chuyển đổi số nhờ có hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin được đầu tư khá đồng bộ. Trong ảnh: Nhân viên Công ty CP Caris (quận Hải Châu) trong giờ làm việc. Ảnh: THU HÀ
Đà Nẵng được đánh giá có nhiều thế mạnh và thuận lợi trong chuyển đổi số nhờ có hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin được đầu tư khá đồng bộ. TRONG ẢNH: Nhân viên Công ty CP Caris (quận Hải Châu) trong giờ làm việc. Ảnh: THU HÀ

Xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp cần làm

Mới đây, UBND thành phố có Quyết định số 2870/QĐ-UBND ngày 28-8-2021 về việc ban hành Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu chung của Đà Nẵng là triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số để điều chỉnh thể chế, cấu trúc lại quy trình, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố; phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới. Thành phố xác định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Đà Nẵng thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin thương mại điện tử của cả nước.

Thành phố hướng đến các lĩnh vực về phát triển chính quyền số, kinh tế số trong các ngành du lịch, tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, giao thông vận tải và logistics, công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường. Về phát triển xã hội số, thành phố tập trung trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo; hoàn thành cơ bản chuyển đổi số, hình thành thành phố thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN. Thành phố duy trì các mục tiêu đạt được trong giai đoạn trước và đạt một số mục tiêu cụ thể khác trên các lĩnh vực phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Để đạt được những mục tiêu trên, đề án đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản tạo nền tảng cho chuyển đổi số tại Đà Nẵng gồm: chuyển đổi về nhận thức, nâng cao trách nhiệm triển khai; có các cơ chế, chính sách phù hợp; phát triển hơn nữa hạ tầng kỹ thuật số, dữ liệu số, nền tảng số…; bảo đảm các yếu tố về an toàn an ninh mạng; hợp tác, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

Cần xây dựng lộ trình cụ thể

Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng, Giám đốc Công ty TNHH Axon Active Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng Đặng Ngọc Hải đánh giá, với lợi thế nhiều năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT Việt Nam (Vietnam ICT Index), Đà Nẵng rõ ràng có nhiều thế mạnh và thuận lợi trong việc thực hiện chuyển đổi số. Thành phố có cơ sở hạ tầng viễn thông và CNTT được đầu tư khá đồng bộ trong thời gian qua song song với việc triển khai nhiều ứng dụng CNTT và dịch vụ. Chính quyền điện tử giúp thành phố dần xây dựng được nền tảng cơ sở dữ liệu chia sẻ, hình thành được kho dữ liệu số dùng chung cho các cơ quan, ban, ngành và địa phương các cấp. Thực tế cho thấy, trong đợt dịch 2 tháng vừa qua, thành phố đã nhanh chóng triển khai thành công ứng dụng cấp giấy đi đường QR code trực tuyến, nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ doanh nghiệp và người dân.

Một yếu tố khác cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch chuyển đổi số tại thành phố là sự phát triển mạnh mẽ của ngành CNTT và xuất khẩu phần mềm. Sự tăng trưởng của ngành CNTT trong thời gian gần đây đã giúp hình thành cộng đồng công nghệ cao trên địa bàn thành phố, góp phần rút ngắn khoảng cách số trong cộng đồng. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số không tránh khỏi khó khăn, thách thức.

“Tôi cho rằng, để có thể chuyển đổi số thành công, chúng ta cần cụ thể hóa bằng những thay đổi nhỏ nhất, giải quyết những vấn đề nhỏ nhất, tạo động lực và duy trì thói quen chuyển đổi số. Chúng ta cần có sự kết nối mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm và chuyên môn về CNTT với các doanh nghiệp và tổ chức khác, thông qua các hoạt động đào tạo, tư vấn và đặt hàng để có thể cung cấp giải pháp cụ thể cho từng vấn đề cụ thể. Cùng với đó, chúng ta cần tập trung vào khía cạnh đào tạo nguồn nhân lực ở nhiều cấp độ khác nhau, để chính những người này sẽ là nhân tố quan trọng tạo điều kiện cho chuyển đổi số được diễn ra một cách đồng bộ và hiệu quả”, ông Hải chia sẻ.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch, để phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số, thành phố vừa đưa vào sử dụng “Ứng dụng khảo sát lấy ý kiến về mức độ sẵn sàng và nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố” tại địa chỉ https://dx.danang.gov.vn. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp nhận biết khả năng hiện tại, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, từ đó xác định lộ trình, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, điều chỉnh mô hình kinh doanh và mô hình quản trị phù hợp; giúp cơ quan quản lý Nhà nước có thể tổng hợp, phân tích, đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở này có thể xây dựng các chương trình, kế hoạch và triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số phù hợp theo yêu cầu thực tiễn.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, hiện việc triển khai chính quyền điện tử, thành phố thông minh tại Đà Nẵng đã đạt một số kết quả bước đầu trong quá trình chuyển đổi số. Cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin được đầu tư khá đồng bộ; hình thành các cơ sở dữ liệu nền và chuyên ngành; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đạt hơn 97%, trong đó 75% ở mức 4; bước đầu hình thành các nền tảng đô thị thông minh và triển khai một số dịch vụ đô thị thông minh. Ngành công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân 20%/năm), dần khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của thành phố (đóng góp 7,5% GRDP thành phố); thành phố hiện có 2,1 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (đứng thứ hai cả nước sau Thành phố Hồ Chí Minh). 

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.