Tăng cường quan trắc phóng xạ môi trường để phát triển bền vững

.

Công tác quan trắc phóng xạ môi trường có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở dữ liệu tin cậy để các cơ quan chức năng hoạch định chính sách, chiến lược nhằm kiểm soát chất lượng môi trường, bảo đảm an toàn sức khỏe con người và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát triển bền vững.

Quan trắc phóng xạ môi trường nhằm kịp thời phát hiện mọi diễn biến bất thường về phóng xạ. Trong ảnh: Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ lấy mẫu nước tại khu vực phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) để phân tích về nồng độ phóng xạ trong môi trường. Ảnh: M.QUẾ
Quan trắc phóng xạ môi trường nhằm kịp thời phát hiện mọi diễn biến bất thường về phóng xạ. TRONG ẢNH: Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ lấy mẫu nước tại khu vực phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) để phân tích về nồng độ phóng xạ trong môi trường. Ảnh: M.QUẾ

Theo Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, quan trắc phóng xạ môi trường là quá trình theo dõi thường xuyên, có hệ thống về diễn biến phóng xạ trong môi trường, nhằm bảo đảm kịp thời phát hiện mọi diễn biến bất thường về phóng xạ trên địa bàn thành phố, hỗ trợ việc chủ động ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân; cung cấp cơ sở dữ liệu về phóng xạ môi trường phục vụ công tác quản lý Nhà nước về năng lượng nguyên tử và an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.

Trên địa bàn thành phố có 14 cơ sở sử dụng nguồn phóng xa đang hoạt động, lưu giữ 47 nguồn phóng xạ. Các nguồn phóng xạ được sử dụng chính trong các lĩnh vực: sản xuất, dịch vụ trong công nghiệp; cơ sở dịch vụ y tế; cơ quan quản lý, điều hành kiểm soát an ninh và các cơ sở khác. Đặc biệt, một số cơ sở sử dụng các nguồn phóng xạ có mức nguy hiểm trên trung bình, đòi hỏi công tác bảo đảm an toàn và an ninh nguồn phóng xạ rất nghiêm ngặt. Hoạt động của các cơ sở này cùng với các hoạt động khác như khai thác đất đá, san lấp mặt bằng, tái chế sắt thép phế liệu, vận chuyển nguồn phóng xạ… và các sự cố nhà máy điện hạt nhân, cơ sở nghiên cứu hạt nhân tác động xuyên biên giới có thể ảnh hưởng đến mức phông phóng xạ môi trường trên địa bàn thành phố.

Căn cứ theo nội dung Đề án “Quan trắc phóng xạ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018-2022” đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt, Sở Khoa học và Công nghệ đã giao Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng triển khai thực hiện đề án trên với các đối tượng chính để quan trắc gồm môi trường không khí; môi trường nước; môi trường đất, trầm tích và thực vật, lương thực, thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng cho biết, do vai trò quan trắc phóng xạ có liên quan đến sức khỏe con người cũng như việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nên các nước trên thế giới cũng như Việt Nam rất quan tâm đến lĩnh vực này. Chỉ có nâng cao hiệu quả hoạt động quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường mới xác định kịp thời bản chất, nguồn gốc, diễn biến của sự thay đổi, đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời nếu có sự cố bức xạ hạt nhân xảy ra tại thành phố cũng như các nơi khác trên thế giới có khả năng ảnh hưởng tới Đà Nẵng.

Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ đã tiến hành đo đạc và cập nhật dữ liệu phông phóng xạ môi trường trên địa bàn thành phố với các nội dung: đo suất liều gamma trong môi trường không khí; lấy và phân tích các đồng vị phóng xạ trong mẫu sol khí; quan trắc liều tích lũy; quan trắc môi trường nước; quan trắc môi trường đất, bùn, trầm tích; quan trắc phóng xạ trong mẫu thực vật, lương thực, thực phẩm. Trung tâm đã tiến hành đo suất liều gamma trong môi trường không khí tại hơn 30.000 điểm, lấy và phân tích 50 mẫu sol khí, 56 liều tích lũy, 134 mẫu nước trong đất liền và mẫu nước biển ven bờ, 124 mẫu đất, bùn và trầm tích, 20 mẫu lương thực, thực phẩm. Kết quả quan trắc cho thấy, không có kết quả dị thường về phóng xạ môi trường trong môi trường không khí, đất, nước, lương thực và thực phẩm.

Ngoài ra, trung tâm đã tiến hành xây dựng bản đồ phông phóng xạ để cập nhật số liệu đo đạc, quan trắc theo từng khu vực. Kết quả bước đầu đã tạo ra được các số liệu cơ bản về mức phông phóng xạ trên địa bàn thành phố. Bà Linh thông tin thêm, thời gian tới, tùy vào tình hình thực tế theo yêu cầu nhiệm vụ từng năm hoặc có yêu cầu đột xuất, có thể tiến hành quan trắc tối đa các thông số như đã nêu trong đề án hoặc chọn lọc các thông số quan trắc phù hợp. Sau khi có kết quả đo hằng năm, dữ liệu sẽ được sử dụng thường xuyên để so sánh, phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân cũng như có cơ sở để cập nhật cho các năm tiếp theo.

Ngoài hoạt động quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường, giai đoạn 2018-2022, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục tham mưu UBND thành phố tổ chức các chương trình diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân dựa trên các nguy cơ, tình huống có thể xảy ra… Các hoạt động này góp phần nâng cao năng lực ứng phó sự cố bức xạ; các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ phục vụ tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.