Đổi mới hoạt động đo lường, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

.

Thực hiện công tác quản lý Nhà nước của ngành khoa học - công nghệ, trên cơ sở các chính sách về quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã không ngừng hoàn thiện các chính sách nâng cao năng suất, đổi mới hoạt động đo lường. Qua đó hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đoàn kiểm tra quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiểm tra công-tơ điện tử lắp đặt tại các hộ gia đình. Ảnh: M.QUẾ
Đoàn kiểm tra quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiểm tra công-tơ điện tử lắp đặt tại các hộ gia đình. Ảnh: M.QUẾ

Một trong những doanh nghiệp tiên phong trong công tác đổi mới hoạt động đo lường trên địa bàn thành phố là Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng). Bắt đầu triển khai lắp đặt công-tơ điện tử từ năm 2013, đến năm 2018, PC Đà Nẵng đã thay thế 100% công-tơ điện tử. Năm 2019, đơn vị hoàn thành lắp đặt 100% công tơ điện tử đo xa RF đối với khách hàng sinh hoạt, tỷ lệ trực tuyến hơn 99%; hiện nay, đo xa RF đã được lắp đặt tại 1.950 trạm công cộng.

Ông Bùi Đỗ Quốc Huy, Phó Giám đốc PC Đà Nẵng cho hay, đơn vị luôn chú trọng hoạt động đo lường cũng như tính chính xác của công-tơ điện để bảo đảm công khai, minh bạch trong việc tính hóa đơn tiền điện và quyền lợi của khách hàng.

Hằng năm, Sở KH&CN đều có chương trình kiểm tra liên quan đến phương tiện đo tại PC Đà Nẵng và các điện lực trực thuộc, kết hợp kiểm tra thực tế tại địa điểm sử dụng điện của khách hàng. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, PC Đà Nẵng đã tuân thủ và phối hợp với đoàn kiểm tra quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với các phương tiện đo, bao gồm tem kiểm định, dấu kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định, phê duyệt mẫu, kiểm tra việc niêm phong.

Khi thực hiện kiểm tra lấy mẫu ngẫu nhiên, PC Đà Nẵng thực hiện tháo công-tơ cần kiểm tra, chốt chỉ số tháo, treo công-tơ mới đã được kiểm định độ chính xác, ghi nhận chỉ số treo và tiếp tục cấp điện. Tất cả các công đoạn thực hiện đều có sự chứng kiến và ký xác nhận của khách hàng, bảo đảm tính minh bạch, không làm gián đoạn việc sử dụng điện của khách hàng. Kết quả thực hiện, có 300/300 công-tơ đạt mức chính xác cho phép.

Đổi mới hoạt động đo lường là một trong những biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10-8-2018 (Đề án 996) về tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu cụ thể của Đề án 996 đến năm 2025 sẽ bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường cho ít nhất 10.000 cán bộ tham gia hoạt động đo lường; phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng đủ 41 chuẩn đo lường quốc gia; công nhận ít nhất 200 phép đo hiệu chuẩn; phát triển ít nhất 100 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại… Định hướng đến năm 2030, phát triển ít nhất 250 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại đáp ứng nhu cầu đo lường chính xác cho doanh nghiệp.

Để Đề án 996 đạt hiệu quả cao nhất tại Đà Nẵng, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 2102/QĐ-UBND ngày 13-5-2019 về kế hoạch triển khai đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn thành phố.

Trong đó đặt ra 5 mục tiêu chính: phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ kỹ thuật đo lường theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố; tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực ưu tiên như dịch vụ logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ điện tử, viễn thông…; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực đóng góp tích cực vào hoạt động đo lường trên địa bàn thành phố; áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đo lường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về vai trò của hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp.

Có thể nói, việc ban hành các đề án về tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương cũng như những kế hoạch triển khai của địa phương là bước khởi đầu quan trọng để đưa chính sách vào thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thông qua hình thức tổ chức các hội thảo, lồng ghép với các hoạt động kiểm định thực tế, năm 2019, Sở KH&CN tiến hành kiểm định, hiệu chuẩn, kiểm tra hơn 15.000 phương tiện đo.

Năm 2020, tuy gặp khó khăn trong công tác kiểm tra do ảnh hưởng của Covid-19 nhưng sở vẫn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ đã đề ra. Kết quả, có hơn 16.000 phương tiện đo được tiến hành kiểm định, hiệu chuẩn, kiểm tra. Dự kiến, đến hết năm 2021 sẽ tăng gấp đôi các phương tiện đo và hiệu chuẩn so với năm 2020.

Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH&CN thành phố cho biết, đổi mới hoạt động đo lường giúp doanh nghiệp giảm tổn thất kinh tế, loại trừ, khắc phục các hạn chế, tồn tại trong thực hiện việc kiểm định, hiệu chuẩn, giảm chi phí nghiên cứu và vận hành quá trình sản xuất. Thời gian tới, sở tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các mục tiêu, chương trình, dự án đến các tổ chức, doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về đo lường chính xác, tầm quan trọng và lợi ích của đo lường chính xác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.