Công nghệ
Phấn đấu đạt mục tiêu 90% doanh nghiệp có tài khoản thương mại điện tử vào năm 2025
Ngày 10-5, phát biểu tại hội thảo Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn nhận định, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển quan trọng, được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng và phát triển, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Đà Nẵng là một trong những đô thị tại Việt Nam có công nghệ thông tin phát triển. Đây là một yếu tố tiền đề để các hoạt động công nghệ tài chính, công nghệ số trong lĩnh vực tài chính phát triển. Bên cạnh đó, thành phố có môi trường chính sách thuận lợi cho phát triển công nghệ thông tin, truyền thông và nguồn nhân lực công nghệ thông tin dồi dào, tạo cơ hội cho việc nghiên cứu, phát triển các ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, thành phố đã ban hành các chính sách quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số, cụ thể là đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó có nhiều chỉ tiêu về lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử. Đề án được xác định là một trong các dự án mang tính động lực cho phát triển thành phố.
Do đó, hội thảo là hoạt động cần thiết và ý nghĩa giúp thành phố có thêm tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn giai đoạn sắp đến; trong đó có việc hoàn thiện đề án Xây dựng trung tâm tài chính khu vực theo định hướng tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ thông tin về chuyển đổi số trong ngân hàng; hiện trạng và xu hướng trong lĩnh vực tài chính số (fintech)… Theo ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác đinh 67 chỉ tiêu, trong đó có 6 chỉ tiêu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Cụ thể, tỷ trọng kinh tế số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử năm 2025 là 20%, năm 2030 là 30%; doanh nghiệp có tài khoản thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử năm 2025 là 90%, năm 2030 là 100%; dân số tham gia các hoạt động mua sắm trực tuyến năm 2025 là 50%, năm 2030 là 80%; doanh số thương mại điện tử giữa công ty và người tiêu dùng (B2C) trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố năm 2025 là 10%, năm 2030 là 30%; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác năm 2025 là 100%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử năm 2025 là 100%.
MAI QUẾ