Thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ tài sản trí tuệ

.

Các tài sản trí tuệ là công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng tạo môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.

Các sản phẩm khoa học và công nghệ, tài sản trí tuệ đã được bảo hộ và thương mại hóa sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. TRONG ẢNH: Sản phẩm Đông trùng hạ thảo khô – Sấy thăng hoa - sản phẩm OCOP 4 sao của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Vinseed được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: QUỲNH TRANG
Các sản phẩm khoa học và công nghệ, tài sản trí tuệ đã được bảo hộ và thương mại hóa sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. TRONG ẢNH: Sản phẩm Đông trùng hạ thảo khô – Sấy thăng hoa - sản phẩm OCOP 4 sao của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Vinseed được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: QUỲNH TRANG

Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, thời gian qua, sở đã tích cực hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ thông qua các chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Bên cạnh kết quả nghiên cứu của các viện, trường, thành phố đã hỗ trợ các doanh nghiệp tạo ra các tài sản trí tuệ tiêu biểu như: máy sản xuất khẩu trang, robot xếp bao tự động (Công ty TNHH Châu Đà), mô hình lọc nước bồn (Công ty TNHH Môi trường xanh Sustech), dây chuyền nướng bánh công nghệ từ trường (Công ty Công nghệ QCM), máy lốc thép tấm dày 20-80mm (Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường), thiết bị chuyển mạch SDN - Switch (Công ty TNHH Giải pháp Acronics)...

Các sản phẩm khoa học và công nghệ, tài sản trí tuệ này đã được bảo hộ và thương mại hóa, giúp các doanh nghiệp đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, từ đó lan tỏa hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm dịch vụ, tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Đến nay, đã có 18 doanh nghiệp ở Đà Nẵng được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho 32 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Công tác hỗ trợ đã có những đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội và gìn giữ, phát triển các nghề, sản phẩm truyền thống trên địa bàn thành phố, góp phần củng cố, phát triển sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.

Nhằm khích lệ giới trẻ năng động, sáng tạo hơn, nhiều năm qua, Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng đã từng bước hỗ trợ cải thiện nhận thức chung về quyền SHTT đối với thành quả đổi mới sáng tạo cho giới trẻ qua các hội thảo như “Tầm quan trọng của SHTT đối với doanh nghiệp khởi nghiệp”, “Quyền SHTT và quản lý quyền SHTT trong trường đại học”, “Quyền SHTT trong giáo dục”, “Sinh viên với quyền SHTT”…

Bà Nguyễn Thị Thúy, phụ trách văn phòng đại diện Cục SHTT tại Đà Nẵng cho hay, thông qua các chương trình giao lưu, các hoạt động đổi mới sáng tạo ngày càng lan tỏa, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sáng tạo bảo vệ thành quả tạo ra, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Em Lê Thị Mai (sinh viên khoa Điện, chuyên ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng), đồng tác giả mô hình máy sát khuẩn tự động và robot phục vụ trong khu cách ly bệnh nhân Covid-19 chia sẻ, hiện đã có hơn 100 máy sát khuẩn tự động do nhóm sáng chế được lắp đặt tại các bệnh viện ở Đà Nẵng. Trong khi đó, đề tài robot phục vụ trong khu cách ly đang được nâng cấp thành đề tài robot tự động phục vụ y, bác sĩ khám chữa bệnh tại bệnh viện. Hiện nhóm sinh viên đang trong quá trình nộp đơn xác lập quyền SHTT đối với hai đề tài này. Theo Mai, việc xác lập quyền SHTT là động lực để nhóm tiếp tục hoàn thiện các đề tài để phù hợp hơn với nhu cầu xã hội.

Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ), năm 2019, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030. Một trong những mục tiêu đặt ra là phát triển hệ thống SHTT Việt Nam đến 2030 nằm trong top đầu ASEAN. Để đạt được mục tiêu này, hàng loạt nhiệm vụ được đặt ra cho các cơ quan, tổ chức nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo vệ thành quả sáng tạo tổ chức thực hiện hiệu quả hệ thống pháp luật đó. Ông Bảy nhấn mạnh, một khi quyền SHTT đã được xác lập thì cần phải đi vào thực tế. Trong đó, hai khía cạnh chính cần bàn tay hỗ trợ của Nhà nước là khai thác quyền SHTT để mang lại giá trị cho xã hội và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái. Thời gian tới, việc nâng cao nhận thức, phổ biến tuyên truyền về quyền SHTT cho người tiêu dùng là rất quan trọng. Thái độ của người tiêu dùng đối với hàng giả, hàng nhái là yếu tố quyết định sự thành bại của SHTT.

Tại Đà Nẵng, UBND thành phố đã ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 kèm theo Quyết định số 3836/QĐ-UBND ngày 29-11-2021. HĐND thành phố cũng đã ban hành Nghị quyết số 62/2021/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn thành phố. Trong năm nay, thành phố tập trung nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn lực về SHTT thông qua các chương trình tập huấn, lớp đào tạo chuyên đề, các sự kiện tuyên truyền. Bên cạnh đó, thiết kế bộ công cụ tra cứu, cơ sở dữ liệu, gói thông tin sở hữu; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của các trường, viện, doanh nghiệp; hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại cho các tài sản trí tuệ của thành phố.

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích