Công nghệ
AI, robot - Nhân tố mới của báo chí hiện đại
Khi công nghệ đang chiếm lĩnh thế giới, thật dễ hiểu tại sao nhiều người lại lo lắng về sự trỗi dậy của robot cùng việc chúng có thể thay thế con người.
Trong thời đại dữ liệu lớn (big data), báo chí không thể bỏ lỡ các thuật toán máy học để tăng hiệu quả thông tin. Ảnh minh họa: New York Times |
Viết tin dường như là công việc không thể thiếu bàn tay con người. Thế nhưng, ngành báo chí nói chung phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ và công nghệ chính là nền tảng cốt lõi để giúp báo chí đạt được tốc độ nhanh chóng như hiện nay.
Thực tế cho thấy rằng không chỉ báo chí là đối tượng sử dụng công nghệ, mà chính công nghệ đã ngày càng thay đổi cách thức sản xuất, xuất bản và chia sẻ tin tức.
Năm 2020, tờ Guardian (Anh) đăng một bài báo đặc biệt có hơn 70.000 lượt chia sẻ. Bài bình luận đó khiến dư luận xôn xao, bởi lẽ đó là sản phẩm của cỗ máy ngôn ngữ có tên GPT-3.
Theo phân tích của công ty truyền thông Anh Journo Resources, mặc dù điều này nghe có vẻ viễn tưởng, nhưng trí tuệ nhân tạo (AI) và báo chí robot đã xuất hiện trong các tòa soạn được một thời gian. Trên toàn cầu, ngành báo chí đã tìm ra những cách thức mới để triển khai tiến bộ công nghệ mới nhất. Từ Forbes đến Washington Post, BBC đến LA Times, hầu hết các tờ báo lớn hiện nay đều dựa vào AI để đưa tin, dù theo cách này hay cách khác.
Xu hướng gia tăng "phóng viên" robot
Đầu tiên, tạp chí Forbes khẳng định AI đang phát huy sức mạnh không thể phủ nhận trong việc thu thập thông tin với tốc độ nhanh chóng. Các hệ thống học máy không hề biết mệt mỏi này phát hiện dữ liệu từ nhiều nguồn “nguyên liệu thô” (thông cáo báo chí, bài blog, mạng xã hội, ảnh, video) rồi tự động tóm tắt chúng thành sản phẩm là một bài báo hoặc tài liệu hỗ trợ. Nhờ các thuật toán tiên tiến, AI có thể tìm kiếm và đưa ra những cách thức tốt hơn để cơ quan truyền thông kết nối với bạn đọc, đồng thời cung cấp hiệu quả cao hơn cho hoạt động thị trường và quảng cáo.
Độc giả đã được hưởng lợi từ hệ thống cung cấp tin tức thông minh này. AI đã giúp độc giả tìm được những nội dung phù hợp sở thích cá nhân của họ. Điều này giúp người đọc lưu lại trên các trang web tin tức lâu hơn, cũng như khiến họ tham gia nhiều hơn vào bài viết và nội dung.
Ngoài nhiệm vụ tổng hợp thông tin, một số hãng truyền thông đã đưa các hệ thống AI tham gia từ đầu đến cuối vào công việc sản xuất bài báo. Forbes đã triển khai hệ thống quản lý nội dung có AI hỗ trợ mang tên Bertie để đề xuất nội dung và tiêu đề.
The Washington Post đã ra mắt hệ thống học máy Heliograf có khả năng tạo ra bài báo hoàn chỉnh từ dữ liệu định lượng. Bloomberg đang sử dụng phần mềm Cyborg để sản xuất khoảng 1/3 bài đăng hiện nay. Trong khi đó, toàn bộ tin tức về động đất tại The Los Angeles Times là do phần mềm Quakebot phụ trách đăng tải. The Guardian, Associated Press và Reuters cũng đang nhờ vào sức mạnh các hệ thống AI khác nhằm giành vị trí ưu thế trong cuộc chạy đua về thông tin.
Bên cạnh đó, AI chính là thứ vũ khí quan trọng để giúp các nhà sản xuất và xuất bản nội dung hiện đại ngày nay giám sát tin giả và bình luận của người dùng. Hệ thống AI có khả năng xác định các nguồn dữ liệu thực từ những nguồn nhân tạo. Quá trình tổng hợp tin tức tự động bổ sung các liên kết và nguồn tin để kiểm tra sự thật, sau đó chấm điểm cho các mẩu tin tức về mức độ chính xác. Ngoài sàng lọc nội dung sai lệch, AI còn giúp kiểm soát bình luận của người dùng. Các hệ thống máy học đang chứng tỏ là những trợ lý thận trọng có thể kiểm tra nội dung văn bản và nội dung của hình ảnh nhằm đảm bảo rằng chỉ những nội dung phù hợp tiêu chuẩn mới được xuất hiện.
Không thể thay thế con người
Khi công nghệ đang chiếm lĩnh thế giới, thật dễ hiểu tại sao nhiều người lại lo lắng về sự trỗi dậy của robot cùng việc chúng có thể thay thế con người. Điều này hoàn toàn có cơ sở. Đầu năm 2021, hàng trăm biên tập viên của tập đoàn Microsoft đã buộc phải nghỉ việc, nhường chỗ cho một hệ thống xử lý thông tin AI. Vậy liệu nền báo chí tự động hoá có khiến báo chí truyền thống biến mất?
Theo trang Khoa học Xã hội Ngày nay của Trung Quốc, giới chuyên gia nhận định robot không thể thay thế đội ngũ phóng viên, biên tập viên trong một sớm một chiều. Mặc dù máy móc giữ ưu thế về tốc độ và chính tả, chúng vẫn có những điểm yếu rõ rệt. Công việc của những hệ thống AI phụ thuộc vào dữ liệu sẵn có. Do đó, nếu nguồn dữ liệu không xác thực và công bằng, chúng hoàn toàn có thể bị đánh lừa. Theo ước tính của công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey, trình độ công nghệ AI hiện chỉ có thể tự động hóa khoảng 15% công việc của phóng viên và 9% công việc của biên tập viên.
Robot có thể viết ra một bài báo, song không thể là một cây bút giỏi. Những hệ thống học máy phức tạp này làm tốt việc xuất bản lượng lớn dữ liệu trong khoảng thời gian ngắn, song lại không thể dẫn dắt vấn đề một cách lôi cuốn vì thiếu tính sáng tạo và những kỹ năng truyền cảm hứng mà chỉ con người mới có. Tại thời điểm này, không có cỗ máy nào có thể bối cảnh hóa thông tin, ghép chúng lại với nhau và tạo ra các kết luận ban đầu dựa trên bằng chứng cụ thể như con người.
Mặt khác, AI được ứng dụng trong ngành báo chí không nhằm mục tiêu tiếp quản công việc làm báo, mà đơn giản là để giải phóng nhân lực để con người làm những công việc có giá trị hơn. Hiện nay, các “phóng viên” robot chủ yếu đưa tin về sự kiện thể thao, báo cáo tài chính, sự cố khẩn cấp và các câu chuyện thiên về số liệu khác theo “công thức” rập khuôn. Những tin tức như vậy thường đơn giản và được coi là sản phẩm cấp thấp của báo chí.
Có thể thấy rõ, khó áp dụng công nghệ này lên các sản phẩm phóng sự điều tra, bài bình luận, vì bài dạng này đòi hỏi luận điểm cá nhân, hay liên quan đến cảm xúc của con người và các tình huống phức tạp về mặt đạo đức hoặc pháp lý. Nhìn chung, trong tương lai, AI sẽ tiếp tục thay đổi cách hoạt động của một tòa soạn và thậm chí đem đến bước chuyển đổi rõ rệt đối với việc sản xuất tin tức.
Theo Báo Tin tức