Giải mã được bí ẩn về nguồn gốc Cái chết Đen thảm khốc

.

Qua phân tích ADN từ những hài cốt còn sót lại trong một khu mộ cổ, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng nguồn gốc của trận dịch này là từ một khu vực của Kyrgyzstan.

Hài cốt của các nạn nhân của dịch Cái Chết Đen tại London, Anh. (Nguồn: Indenpedent.co.uk)
Hài cốt của các nạn nhân của dịch Cái Chết Đen tại London, Anh. (Nguồn: Indenpedent.co.uk)

Cái chết Đen (Black Death) là từ dùng để mô tả mức độ thảm khốc của trận đại dịch dịch hạch hoành hành tại nhiều nơi trên thế giới vào giữa thế kỷ XIV.

Sau nhiều thế kỷ tranh luận về nguồn gốc đại dịch, các nhà khoa học cuối cùng cũng tìm ra manh mối giúp giải mã bí ẩn này.

Cái chết Đen là làn sóng đầu tiên mở màn cho đại dịch kéo dài gần 500 năm.

Chỉ trong 8 năm, từ năm 1346 đến năm 1353, dịch bệnh này đã cướp đi sinh mạng của 60% dân số châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Nhà sử học Philip Slavin, Phó Giáo sư tại Đại học Stirling (Scotland), thành viên nhóm nghiên cứu cho biết họ đã có thể chấm dứt những tranh cãi kéo dài nhiều thế kỷ về nguồn gốc của Cái chết Đen.

Qua phân tích ADN từ những hài cốt còn sót lại trong một khu mộ cổ, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng nguồn gốc của trận dịch này là từ một khu vực của Kyrgyzstan. Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Nature số ra ngày 15/6.

Trước đó, giáo sư Slavin đã tìm ra một manh mối thú vị tại khu mộ cổ có niên đại từ thế kỷ 14 nằm ở khu vực ngày nay là miền Bắc của Kyrgyzstan.

Số người được chôn cất trong giai đoạn 1338-1339 đã tăng mạnh với một số ngôi mộ ghi rõ nạn nhân tử vong do dịch hạch. Đáng chú ý, hai năm này chỉ cách thời điểm bùng phát đại dịch Cái chết Đen khoảng 7-8 năm.

Giáo sư Slavin sau đó đã hợp tác với các chuyên gia nhằm kiểm tra ADN trong khu mộ. Họ đã lấy mẫu ADN trong răng của 7 người được chôn cất tại đây.

Theo nhà nghiên cứu Maria Spyrou của Đại học Tuebingen (Đức), đồng thời là tác giả công trình nghiên cứu, do răng chứa nhiều mạch máu, nên sẽ làm tăng cơ hội giúp các nhà khoa học tìm ra mầm bệnh dẫn đến cái chết của những người này.

Tiếp đó, các nhà khoa học đã giải mã trình tự gene, so sánh với ADN trong bộ dữ liệu về gene vi khuẩn và phát hiện chúng trùng khớp với vi khuẩn dịch hạch. ADN cũng cho thấy các dấu hiệu bị tổn thương, chứng tỏ những người này đã mắc bệnh khi tử vong.

Khởi nguồn của Cái chết Đen có liên quan đến sự kiện "Big Bang," khi những chủng cũ của vi khuẩn dịch hạch mà bọ chét mang theo bắt đầu đột ngột tiến hóa.

Các nhà khoa học từng cho rằng Cái chết Đen có thể xuất hiện sớm nhất từ thế kỷ thứ 10, song không thể xác định ngày cụ thể.

Nhóm nghiên cứu đã cố gắng khôi phục bộ gene của vi khuẩn dịch hạch từ các mẫu bệnh phẩm và phát hiện ra rằng chủng gene tại khu mộ xuất hiện trước thời điểm vi khuẩn bắt đầu tiến hóa mạnh.

Những động vật sinh sống tại khu vực này cũng được tìm thấy mang cùng chủng vi khuẩn với những người cổ xưa, từ đó các nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng sự kiện "Big Bang" có thể đã xảy ra tại đây trong thời gian ngắn trước khi Cái chết Đen xuất hiện.

Tuy nhiên, theo giáo sư Michael Knapp tại Đại học Otago (New Zealand), nghiên cứu cũng có những hạn chế, khi sử dụng một lượng nhỏ mẫu phẩm.

Việc có thêm thông tin về nhiều người, khoanh vùng thời gian và khu vực xa hơn sẽ giúp làm rõ ý nghĩa của dữ liệu này. Tuy nhiên, ông thừa nhận việc tìm thêm các mẫu là rất khó, đồng thời đánh giá nghiên cứu trên rất có giá trị.

Chuyên gia Sally Wasef tại Đại học Công nghệ Queensland (Australia) khẳng định nghiên cứu đã mang đến hy vọng giải mã được thêm nhiều bí ẩn khoa học cổ xưa khác.

Nghiên cứu cũng cho thấy việc phục hồi ADN của những vi khuẩn cổ có thể giúp hé lộ bằng chứng về các vấn đề gây tranh cãi.

Theo TTXVN/Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.