Hợp đồng điện tử - Hướng đến mục tiêu chuyển đổi số

.

Thấu hiểu những bất tiện của khách hàng khi sử dụng hợp đồng giấy và hướng đến mục tiêu chuyển đổi số, nhóm tác giả của Trung tâm VNPT-IT khu vực 3 (thuộc Công ty Công nghệ thông tin, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã thiết kế, xây dựng Hệ thống nền tảng phần mềm hợp đồng điện tử (VNPT e contract).

Đại diện nhóm tác giả của Trung tâm VNPT-IT khu vực 3 nhận giải Nhì tại hội thi Sáng tạo  kỹ thuật năm 2021 của thành phố. (Ảnh do nhóm tác giả cung cấp)
Đại diện nhóm tác giả của Trung tâm VNPT-IT khu vực 3 nhận giải Nhì tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật năm 2021 của thành phố. (Ảnh do nhóm tác giả cung cấp)

Công trình này đã mang về nhiều giải thưởng cho nhóm tác giả, tiêu biểu là giải Nhì tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật năm 2021 của thành phố; đồng thời đạt giải Nhì (không có giải nhất) ở hạng mục công nghệ thông tin giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam năm 2021 vừa được trao trong tháng 5.

Nhóm tác giả công trình nói trên gồm Lê Xuân Sơn, Nguyễn Song Tùng và Vũ Thị Liên, Trung tâm VNPT-IT khu vực 3 thuộc Công ty Công nghệ thông tin VNPT. Đại diện nhóm tác giả, ông Nguyễn Song Tùng, Trưởng nhóm lập trình Trung tâm VNPT-IT khu vực 3, cho biết: “Lâu nay, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên phạm vi cả nước, Tập đoàn VNPT đều sử dụng hợp đồng giấy. Việc này gây ra nhiều sự tốn kém chi phí in ấn, chuyển phát, không linh động được địa điểm cũng như thời gian ký kết hợp đồng; các đơn vị còn tốn kém chi phí bảo quản, lưu trữ...

Hơn nữa, đầu năm 2020, Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đưa Kinh tế số chiếm 30% GDP. Bên cạnh đó, Tập đoàn VNPT cũng hướng đến mục tiêu chuyển đổi số nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn; nhất là khi thời điểm Covid-19 bùng phát, các giao dịch trực tiếp bị hạn chế. Xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu đó, nhóm chúng tôi đã chủ động nghiên cứu và phát triển hệ thống nền tảng phần mềm hợp đồng điện tử”.

Theo ông Tùng, chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết, khách quan theo xu thế thời đại. Hợp đồng điện tử có thể trở thành một trong những công cụ chủ yếu để thúc đẩy nền kinh tế số với giao diện thân thiện, dễ sử dụng, tính năng đa dạng, đầy đủ các tiêu chuẩn pháp lý, bảo mật thông tin… mang đến cho người dùng những trải nghiệm tốt. Đồng thời, hợp đồng điện tử cũng đáp ứng được những yêu cầu cần thiết cho quy trình ký hợp đồng an toàn, tiện ích, tối ưu. Thay đổi phương thức ký kết hợp đồng được xem là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả vận hành, tạo đà phát triển trong tương lai. Điều này tạo nên những thời cơ kinh doanh mới và thúc đẩy các doanh nghiệp bắt kịp xu hướng chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh của đơn vị.

Theo nhóm tác giả, hợp đồng điện tử đem lại cho khách hàng nhiều thuận lợi trong quá trình sử dụng. So với quy trình hợp đồng giấy phải ký trình lãnh đạo, sử dụng hợp đồng điện tử sẽ tiết kiệm thời gian. Lãnh đạo đơn vị có thể đang đi công tác vẫn phê duyệt, ký kết hợp đồng, giúp nâng cao hiệu suất công việc. Lên ý tưởng và thực hiện đề tài trong một năm, đặc biệt, vào thời điểm Covid-19 bùng phát trên cả nước, nhóm tác giả gặp những khó khăn nhất định. Trong đó, khó khăn lớn nhất là tâm lý e ngại về vấn đề pháp lý của hợp đồng điện tử mà phần lớn các doanh nghiệp gặp phải như: hợp đồng điện tử có bảo đảm tính pháp lý, có những hình thức ký số nào được luật pháp chấp nhận...

Để giải quyết vấn đề trên, nhóm tác giả đã nghiên cứu các nền tảng pháp lý liên quan cùng các điều kiện bảo mật chặt chẽ để phát triển và cho ra mắt sản phẩm VNPT eContract từ năm 2020. Tại thời điểm này, khái niệm “hợp đồng điện tử” còn mới nhưng trong các tháng cao điểm của dịch bệnh, nhu cầu sử dụng hợp đồng điện tử và chữ ký số của doanh nghiệp, tổ chức đã tăng cao. Tính đến cuối năm 2020, VNPT đã ký hơn 100.000 hợp đồng điện tử với khách hàng cả nước, làm lợi hơn 500 triệu đồng chi phí in ấn, quản lý hợp đồng.

Qua đó, hợp đồng điện tử đã được Tập đoàn VNPT đưa vào sử dụng để ký hợp đồng cho hầu hết các dịch vụ mà VNPT cung cấp, với phạm vi triển khai trên 63 tỉnh, thành phố cả nước. Song song với việc triển khai nội bộ, đơn vị cũng cung cấp dịch vụ hợp đồng điện tử cho rất nhiều khách hàng trên cả nước, điển hình như VNPost, Momo, công ty cấp nước các địa phương Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Huế và hiện nay đang được thúc đẩy triển khai hợp đồng điện tử cho người lao động theo nghị quyết chuyển đổi số của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội.

Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, nhận xét: Phần mềm hợp đồng điện tử của nhóm tác giả Lê Xuân Sơn và các cộng sự có nhiều ưu điểm nổi trội. Phần mềm này cho phép mã hóa nội dung hợp đồng khi có hiệu lực, từ đó làm tăng tính bảo mật, tạo sự an tâm, tin tưởng cho khách hàng. Với việc mã hóa hợp đồng, bên thứ 3 không thể biết được nội dung hợp đồng. Một ưu điểm nữa là chức năng quản lý thông tin trên Blockchain nên tạo ra sự an toàn, minh bạch, chống sửa đổi, chống giả mạo. Điều này phù hợp nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử theo Luật Giao dịch điện tử.

CAO TÀI

;
;
.
.
.
.
.