Nhóm nhà nghiên cứu người Nga và Belarus đã tìm ra phương pháp đơn giản để tạo ra màng silicon germani, có thể biến nhiệt thải của các khu công nghiệp thành điện năng.
Phó giáo sư Ilya Gavrilin trong dự án chế tạo màng silicon germani. Ảnh: Sputnik |
Theo nhóm chuyên gia tại Đại học Nghiên cứu Quốc gia về Công nghệ Điện tử Nga (MIET) và Đại học Tin học và Điện tử vô tuyến Nhà nước Belarus (BSUIR), màng hợp kim silicon germani là loại vật liệu đầy tiềm năng để chế tạo các bộ chuyển đổi nhiệt điện, với độ ổn định và hiệu suất cao ngay cả trong môi trường lên đến 800-1.100 độ C.
Họ giải thích rằng những tấm phim này có thể được sử dụng để chuyển đổi nhiệt thải tại cơ sở sản xuất luyện kim, nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở công nghiệp khác, thành năng lượng điện. Hiện nay, quá trình sản xuất màng silicon germani còn phức tạp và thiếu an toàn.
“Các phương pháp chế tạo màng hợp kim silicon germani hiện nay vẫn tồn tại một số vấn đề và cần tuân thủ những điều kiện đặc biệt. Điều này khiến chất liệu này không được phổ biến rộng rãi”, ông Ilya Gavrilin, Phó giáo sư tại Viện Vật liệu và Công nghệ tiên tiến của Đại học Nghiên cứu Quốc gia MIET, viết trong kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Materials Letters.
Các tác giả nghiên cứu lưu ý rằng phương pháp mới được phát triển để kiểm soát nồng độ germani trong phạm vi rộng, do đó cho phép tạo ra hợp kim với các đặc tính tối ưu.
Theo nhóm chuyên gia, cách tiếp cận mới sẽ giúp mở rộng phạm vi ứng dụng của màng silic germani kể trên. Ví dụ như sản xuất bộ tách sóng quang và phần tử năng lượng mặt trời.
Ở giai đoạn tiếp theo, nhóm nghiên cứu dự định tiếp tục nghiên cứu các đặc tính quang, điện và nhiệt điện của các màng phim hợp kim.
Theo Báo Tin tức