Công nghệ

Nỗ lực dẫn đầu chuyển đổi số

08:31, 10/08/2022 (GMT+7)

Năm thứ hai liên tiếp, thành phố Đà Nẵng xếp vị trí thứ nhất về chuyển đổi số, theo Báo cáo  chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố. Đây là kết quả thể hiện sự quyết liệt trong thực thi chủ trương của Đảng, Chính phủ về chuyển đổi số của chính quyền Đà Nẵng, đặc biệt trên 3 trụ cột kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.

Chuyển đổi số là động lực mới để phát triển thành phố. Trong ảnh: Nhân viên tại Công ty TNHH Phần mềm FPT đang làm việc. Ảnh: M.Q
Chuyển đổi số là động lực mới để phát triển thành phố. TRONG ẢNH: Nhân viên tại Công ty TNHH Phần mềm FPT đang làm việc. Ảnh: M.Q

Giá trị DTI Đà Nẵng năm 2021 đạt 0,6419 điểm, tăng 0,1545 điểm so với năm 2020. Đà Nẵng là một trong số ít các địa phương đã triển khai nhiều nền tảng số để phục vụ quản lý Nhà nước, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn.

Triển khai nhiều nền tảng số

Năm 2021, Đà Nẵng ban hành Đề án chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định chuyển đổi số là “chìa khóa”, mở ra không gian phát triển mới. UBND thành phố cũng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng triển khai nghị quyết, đề án Chuyển đổi số trong giai đoạn 2022-2025, như: triển khai thành phố thông minh (đề án “Xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030” trong giai đoạn 2022-2025); phát triển chính quyền số (kế hoạch phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số trên địa bàn giai đoạn 2022-2025)...

Từ cuối năm 2021, Đà Nẵng bắt đầu triển khai hạ tầng mạng 5G với 11 trạm phát sóng tại các tuyến đường ven sông Hàn, Trung tâm Hành chính thành phố, Khu CNTT số 1, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, chợ Hàn, cầu Rồng, cầu Sông Hàn... Hiện thành phố đang triển khai thêm 41 trạm, trong đó có 1 trạm ở Sân bay quốc tế Đà Nẵng và 40 trạm ở khu vực Liên Chiểu (diện tích phủ sóng dự kiến 8km2; tương đối 1/2 khu vực dân cư quận Liên Chiểu) dự kiến hoàn thành trong năm 2022; thí điểm trạm truyền dẫn vô tuyến sử dụng công nghệ LoRa (năng lượng thấp, vùng phủ rộng).

Về kết quả triển khai dữ liệu số, thành phố đã đưa vào sử dụng Cổng dữ liệu mở với gần 600 tập dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội với đa dạng kênh tra cứu, khai thác (API, web, SMS, Zalo); bắt đầu sử dụng một số dữ liệu số thay thành phần hồ sơ giấy trong cung cấp dịch vụ công như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kinh doanh…, hình thành Kho dữ liệu dùng chung toàn thành phố phục vụ thu thập, tích hợp, làm sạch, chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan khai thác, sử dụng. Kho dữ liệu Đà Nẵng được Bộ TT&TT đánh giá và giới thiệu cho các tỉnh, thành phố thực hiện.

Đối với trục thông minh, Đà Nẵng đã xây dựng, khai thác hiệu quả các ứng dụng dùng chung như hệ thống thư điện tử, ứng dụng một cửa điện tử, ứng dụng góp ý, cổng thanh toán trực tuyến thành phố, cổng đào tạo trực tuyến thành phố. Đồng thời, xây dựng hàng loạt ứng dụng trong các lĩnh vực như ứng dụng DanangFantasticity cung cấp thông tin du lịch, sàn thương mại điện tử thành phố, nền tảng dịch vụ tích hợp quan trắc môi trường, hệ thống giám sát giao thông qua camera thông minh, phần mềm tuyển sinh trực tuyến đầu cấp, ứng dụng quản lý bệnh viện và khám, chữa bệnh điện tử… Đầu tháng 4 vừa qua, Đà Nẵng cũng đã ra mắt mô hình chợ 4.0. Đây là trong những hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng tại các chợ.

Thành phố cũng đã đưa vào sử dụng Cổng Dịch vụ công trực tuyến thành phố (tại địa chỉ https://dichvucong.danang.gov.vn), kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai gần 97% dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4, trong đó 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đã triển khai mức 4. Ngoài dịch vụ hành chính công; hiện nay đã bắt đầu đưa dịch vụ ngoài Một cửa lên cung cấp trực tuyến mức 4 và chuẩn bị đưa dịch vụ sự nghiệp công lên trực tuyến mức 4 trên Cổng dịch vụ công thành phố.

Đà Nẵng năm thứ 2 liên tiếp xếp vị trí thứ nhất về chuyển đổi số. Ảnh: Q.T
Đà Nẵng năm thứ 2 liên tiếp xếp vị trí thứ nhất về chuyển đổi số. Ảnh: Q.T

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Đến nay, Đà Nẵng có 2,1 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (đứng thứ hai sau Thành phố Hồ Chí Minh; trung bình cả nước là 0,5 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân); tổng nhân lực CNTT thành phố hơn 44.000 người. Ông Trần Mạnh Huy, Giám đốc Công ty CP V.B.P.O đánh giá, Đà Nẵng đã có hạ tầng tốt về công nghệ thông tin nên việc dẫn đầu 2 năm liên tiếp về chuyển đổi số là không quá bất ngờ. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp tại thành phố vẫn chưa bắt nhịp chuyển đổi số. Ông Huy mong muốn thành phố có giải pháp để việc chuyển đổi số được triển khai đồng bộ trong doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP phần mềm quản lý doanh nghiệp Fast tại Đà Nẵng Nguyễn Hữu Hùng cho rằng, Đà Nẵng 2 năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng chuyển đổi số là kết quả xứng đáng, thể hiện sự quyết liệt trong thực thi chủ trương của Đảng, Chính phủ về chuyển đổi số của chính quyền Đà Nẵng, đặc biệt trên 3 trụ cột kinh tế số, xã hội số và chính quyền số. Khi 3 trụ cột này đạt được các kết quả tốt sẽ là tiền đề giúp các chỉ tiêu chuyển đổi số khác ngày càng phát triển, đặc biệt là giúp các doanh nghiệp thừa hưởng và dựa vào phương thức thực hiện này để bám sát và đưa ra lộ trình phù hợp cho chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Tuy nhiên chuyển đổi số là một lộ trình, không phải là các dự án về công nghệ, do vậy, thành phố cần có những bước rà soát, đánh giá lộ trình 2 năm qua với những kết quả đạt được để có những vấn đề, đầu mục công việc nào chưa phù hợp, chưa thực sự hiệu quả thì điều chỉnh kế hoạch cho những giai đoạn tới. Ông Hùng cũng mong muốn thành phố có những chủ trương cụ thể hơn để giúp cho các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công như: hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ nguồn vốn, hỗ trợ chuyển gia, hỗ trợ chính sách… Rất nhiều doanh nghiệp đang suy nghĩ tới việc chuyển đổi số nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu.

Đại diện một số doanh nghiệp công nghệ số bày tỏ, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn đang gặp khó khăn trong chuyển đổi số, đây cũng là lực lượng doanh nghiệp chiếm số lượng lớn trong nền kinh tế tư nhân. Nguyên nhân chính do nguồn lực và chi phí vẫn là bài toán lớn khi ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình sản xuất và hoạt động của doanh nghiệp.

Việc hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ thông tin phát triển các sản phẩm số theo mô hình phần mềm dịch vụ sẽ là giải pháp giúp giảm chi phí sử dụng các giải pháp số và trải nghiệm cho việc ứng dụng số hóa trong quản lý, sản xuất. Ngoài ra, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn đang gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường, cũng như kiểm chứng nhu cầu thực tế của thị trường. Nếu có phương án giải quyết vấn đề này thì sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro và tránh lãng phí nguồn lực phát triển, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số tại Đà Nẵng hơn nữa.

QUỲNH TRANG - MAI QUẾ

.