Đà Nẵng cuối tuần

Chế tạo đồ dùng thí nghiệm môn Vật lý cho học sinh khiếm thị

08:03, 07/08/2022 (GMT+7)

Trăn trở trước khó khăn của học sinh khiếm thị trong việc làm thí nghiệm môn Vật lý, nhóm sinh viên Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng đã chế tạo một thiết bị dùng trong thí nghiệm có thể phát ra âm thanh dễ nghe, cho kết quả có độ chính xác cao.

Sinh viên Trần Thị Thanh Nhàn (bìa trái, đứng) hướng dẫn học sinh khiếm thị thực hiện thí nghiệm. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Sinh viên Trần Thị Thanh Nhàn (bìa trái, đứng) hướng dẫn học sinh khiếm thị thực hiện thí nghiệm. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Sinh viên Trần Thị Thanh Nhàn, Trưởng nhóm nghiên cứu cho hay, em từng tham gia dạy học tình nguyện môn Vật lý tại Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Nhàn thấy giờ học kiểm chứng định luật khúc xạ ánh sáng và quang hình học đối với các em khiếm thị rất khó khăn, vì bắt buộc phải nhìn chứ không có ngôn ngữ nào diễn tả được. Lúc đó, Nhàn nghĩ nếu có cơ hội sẽ làm một thiết bị phát ra âm thanh để các em hình dung dễ dàng. Thiết bị này giúp các em hiểu sâu sắc hơn về bài học, tự rèn luyện kỹ năng thực hành và tạo hứng thú.

“Nhóm đã hoàn thành bộ dụng cụ và tặng lại Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu để các em có những giờ học thí nghiệm tốt hơn”, Nhàn cho biết.

“Bộ thí nghiệm được thiết kế gọn nhẹ, kích thước như một chiếc hộp tròn, nhưng tích hợp nhiều tính năng bên trong. Cấu tạo thiết bị bao gồm bộ phát tín hiệu laser, đầu thu tín hiệu, thước đo độ, bộ phận phát âm thanh. Căn cứ lý thuyết về hiện tượng khúc xạ ánh sáng và mô hình thiết kế, chúng em đã thực hiện mã hiệu để phát ra âm thanh số đo góc và lắp ráp, chế tạo ra bộ thí nghiệm hoàn chỉnh”, sinh viên Đặng Thị Ngọc Huyền, thành viên nhóm nghiên cứu phân tích. 

Để thực hiện thí nghiệm liên quan đến hiện tượng khúc xạ ánh sáng, bộ thí nghiệm cần: nguồn sáng, khối bán trụ mica, bộ phận phát tín hiệu, đầu thu thước đo góc. Nguồn sáng phải tạo được tia sáng đơn sắc, rõ ràng; cường độ sáng vừa phải, không gây nguy hiểm với học sinh. Tia sáng chiếu vào tâm thước nằm trên mặt phẳng thước đo góc, sử dụng tia laser màu đỏ. Âm thanh báo số đo góc rõ ràng và âm lượng vừa đủ, trên các bộ phận có chữ nổi để học sinh dễ dàng xác định vị trí. Học sinh điều chỉnh góc tới bằng cách dịch chuyển đầu phát laser, sau khi nghe tín hiệu báo số đo góc tới, học sinh chỉnh đầu thu tín hiệu để thu được tia khúc xạ. Đến đúng vị trí tia khúc xạ, thiết bị sẽ tự phát ra âm thanh báo số đo góc. Học sinh nghe âm báo và ghi lại giá trị các góc, sau đó tiến hành kiểm chứng định luật bằng cách lập tỷ lệ công thức.

Nhằm giúp học sinh khiếm thị có thể sử dụng thiết bị độc lập và giáo viên cũng dễ dàng hướng dẫn thí nghiệm, nhóm đã làm một cuốn sách hướng dẫn song ngữ (chữ thường và chữ nổi cho người khiếm thị); trong đó nêu rõ các bước tiến hành thí nghiệm kiểm chứng định luật khúc xạ ánh sáng, các hình vẽ minh họa đường đi của tia sáng qua hai môi trường khác nhau cũng được thể hiện bằng mô hình giấy cứng và dây thừng. “Các bạn kết hợp dùng dụng cụ của chúng mình và cuốn sách này thì có thể tự đo và hiểu rõ đường đi của tia sáng trong một số thí nghiệm quang học”, sinh viên Phan Thanh Nhã, thành viên nhóm nghiên cứu nói thêm.

Trực tiếp hướng dẫn nhóm sinh viên, TS. Lê Thanh Huy, giảng viên Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng cho biết, các trường phổ thông chuyên biệt cần nhiều nghiên cứu về thiết bị dạy học để giúp học sinh khiếm khuyết học tốt các môn học nói chung và môn Vật lý nói riêng.

Đề tài của nhóm sinh viên Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng đoạt giải Ba cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố Đà Nẵng năm 2021, là động lực để nhóm tiếp tục có những ý tưởng mới. “Chúng tôi rất vui khi chắp cánh kiến thức, mở ra bầu trời mới cho các em học sinh khiếm thị. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh nghiên cứu với mong muốn thiết bị dạy học sẽ có mặt ở hầu hết các trường chuyên biệt, từ đó lan tỏa tinh thần cho các sinh viên ngành sư phạm trong cả nước và các đơn vị giáo dục để có những nghiên cứu về sản phẩm dạy học cho học sinh khiếm khuyết”, TS. Lê Thanh Huy nói.

HUỲNH TƯỜNG VY

.