Xu thế chuyển đổi số đã mang đến cơ hội cho du lịch Đà Nẵng tiếp cận gần hơn với các thị trường trọng điểm, tiềm năng và mở ra phương thức truyền thông, xúc tiến, quảng bá mới thông qua việc liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp về lĩnh vực truyền thông và công nghệ số. Thời gian qua, ngành du lịch thành phố rất nỗ lực trong quá trình chuyển đổi số, tạo ra sản phẩm du lịch mới đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế.
Chuyển đổi số giúp Đà Nẵng có thêm cơ hội để tiếp cận gần hơn với các thị trường mới. TRONG ẢNH: Khách trải nghiệm các điểm đến du lịch thông qua ứng dụng VR360 Một chạm đến Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ |
Là doanh nghiệp lữ hành, ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Omega (Omega tour) đánh giá rất cao việc ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực du lịch. Việc ứng dụng các phần mềm để đưa các sản phẩm du lịch của Đà Nẵng nói riêng, miền Trung nói chung lên nền tảng công nghệ số giúp tiếp cận với thế giới nhanh và toàn diện hơn.
Ông Ngọc Anh cũng cho rằng đây là thời kỳ mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch phải số hóa, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động kinh doanh. Định hướng trong năm nay và năm sau, công ty sẽ ứng dụng công nghệ số vào trong hoạt động vận hành cũng như kinh doanh.
Hiện công ty đã có phần mềm nội bộ để các đối tác B2B (mô tả các giao dịch thương mại giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) tiếp cận các sản phẩm của công ty. Sau đó sẽ mở rộng để có thêm phần mềm cho B2C (hình thức thương mại điện tử giao dịch giữa công ty và người tiêu dùng, còn gọi là dịch vụ bán lẻ trực tuyến của các công ty qua mạng internet, thường được thực hiện qua thông qua các chương trình tiếp thị liên kết).
Theo ông Ngọc Anh, thành phố nên có sự hỗ trợ, gắn kết giữa các công ty công nghệ số doanh nghiệp du lịch nói riêng để mỗi doanh nghiệp đều có thể ứng dụng công nghệ số ở mức phù hợp. Bởi từ nền tảng ứng dụng công nghệ số sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng quảng bá tiếp cận khách hàng, giảm được chi phí quản lý cũng như vận hành...
Thời gian qua, để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách, một số điểm trên địa bàn đã được ngành du lịch triển khai đưa lên không gian ảo thông qua ứng dụng VR360 “Một chạm đến Đà Nẵng”. VR360 “Một chạm đến Đà Nẵng” với nhiều tính năng ưu việt chính là sản phẩm hoàn toàn mới của du lịch Đà Nẵng để hướng tới chuyển đổi số trong hoạt động du lịch.
Chỉ cần click chuột, du khách sẽ được trải nghiệm tour du lịch khám phá Đà Nẵng với thuyết minh tự động 2 ngôn ngữ (tiếng Anh và tiếng Việt) với nhiều điểm tham quan nổi tiếng của Đà Nẵng. Sau 1 năm triển khai, giai đoạn 1 đã có hơn 18.000 lượt trải nghiệm từ ứng dụng này. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Nguyễn Thị Hoài An cho hay, sau một năm thử nghiệm, năm nay, Đà Nẵng tiếp tục đưa ra giai đoạn 2 của dự án VR360 Một chạm đến Đà Nẵng.
Nếu như năm 2021, VR360 mới chỉ dừng ở các điểm quét cơ bản thì hiện nay đã gia tăng hầu hết các điểm đến của Đà Nẵng; đồng thời bổ sung thêm tính năng VR360 video, một định dạng mới hoàn toàn so với phiên bản cũ. Cùng với đó, Trung tâm Xúc tiến du lịch phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Bizverse để tích hợp nền tảng vũ trụ ảo (metaverse) lên trang web của VR360 Một chạm đến Đà Nẵng.
Đây là một sự tích hợp hoàn hảo giữa công nghệ VR360 và không gian vũ trụ ảo với độ chính xác như ngoài đời thực, tiếp cận khách hàng trên toàn cầu, không giới hạn số lượng, thời gian và tối ưu ngân sách... Điều này sẽ mang đến một trải nghiệm toàn diện dành cho người dùng. Đà Nẵng cũng là một trong những ngành du lịch đầu tiên ở Việt Nam áp dụng công nghệ này để quảng bá du lịch trong và ngoài nước.
Theo Tiến sĩ Đặng Thiên Bình, Giám đốc Công nghệ thông tin của Công ty cổ phần Công nghệ Bizverse, công ty luôn mong muốn cùng ngành du lịch Đà Nẵng gia tăng trải nghiệm của du khách và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp du lịch. Tới đây, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển và số hóa thêm các điểm đến nổi bật của thành phố (bảo tàng, bán đảo Sơn Trà, biển Đà Nẵng…), mở ra không gian hành chính công một cửa cho Trung tâm Hỗ trợ du lịch trên metaverse...
Phó Giám đốc Sở Du lịch Tán Văn Vương cho biết, để đón đầu và thích ứng hiệu quả với xu hướng chuyển đổi số của du lịch thế giới, ngành du lịch Đà Nẵng đã và đang tăng cường liên kết hợp tác công tư (PPP) không chỉ trong nhóm dịch vụ du lịch mà còn hướng đến việc chuyển đổi phương thức truyền thông, xúc tiến, quảng bá điểm đến thông qua số hóa du lịch, tăng cường tần suất hiện diện trên hệ thống các kênh truyền hình hàng đầu, hình thành và gia tăng tiện ích về trải nghiệm du lịch thông minh đối với du khách trong nước cũng như du khách quốc tế.
Năm 2022, với mục tiêu số hóa điểm đến, ngành du lịch sẽ tập trung triển khai truyền thông theo 3 nhóm hoạt động chính, bao gồm nâng cấp, bổ sung giai đoạn 2 công nghệ thực tế ảo VR360 các điểm tham quan; tăng cường hiệu quả truyền thông du lịch Đà Nẵng thông qua việc hiện diện trên các kênh quảng bá của hệ thống truyền hình; gia tăng tiện ích dành cho du khách trên nền tảng du lịch thương mại điện tử và thông qua các chương trình kích cầu, trải nghiệm; thực hiện các chiến dịch tiếp thị số nhằm quảng bá du lịch và các điểm đến Đà Nẵng…
THU HÀ