Công nghệ

Người dân là trung tâm trong chuyển đổi số

13:25, 10/10/2022 (GMT+7)

Thành phố Đà Nẵng được vinh danh ở hạng mục Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc với nền tảng Công dân số thành phố Đà Nẵng (My Portal Đà Nẵng) tại giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam năm 2022” do Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức ngày 9-10. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Đà Nẵng đạt giải thưởng, là sự ghi nhận nỗ lực của thành phố trong triển khai chuyển đổi số.

Tổ hỗ trợ chuyển đổi số cộng đồng phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) đến tận nhà hỗ trợ công dân đăng ký tài khoản điện tử và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Tổ hỗ trợ chuyển đổi số cộng đồng phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) đến tận nhà hỗ trợ công dân đăng ký tài khoản điện tử và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Vinh danh nền tảng Công dân số

Nền tảng giúp Đà Nẵng lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh tại giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam” là nền tảng Công dân số thành phố Đà Nẵng. Đây là nền tảng thu nhận, lưu trữ, cung cấp hồ sơ công dân số (thông tin hành chính, giấy tờ, dữ liệu số, các giao dịch… gắn với định danh duy nhất) và mỗi người dân có một mã QR duy nhất. Nền tảng này tích hợp các dịch vụ số từ chính quyền, doanh nghiệp để người dân sử dụng dễ dàng, thuận lợi, cũng như tự quản lý các thông tin, dữ liệu số của mình.

Hiện nay, nền tảng đã có hơn 240.000 tài khoản, hồ sơ của người dân. Việc hình thành nền tảng Công dân số là một trong những giải pháp để thúc đẩy quá trình tham gia của người dân vào hình thành xã hội số, đặc biệt là trong việc tương tác, sử dụng các giải pháp chuyển đổi số được cơ quan Nhà nước cung cấp.

Nền tảng Công dân số không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình sử dụng dịch vụ của người dân mà còn giúp cơ quan Nhà nước có định hướng, đầu mối để nâng cấp, phát triển các dịch vụ số của mình một cách phù hợp, dễ dàng nhất.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, nền tảng Công dân số hình thành và phát triển là nhờ sự đóng góp từ cả người dùng và các cơ quan, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Hiện thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn triển khai nền tảng công dân số với hai nhiệm vụ chính, gồm: triển khai đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố, mỗi cán bộ, công chức, viên chức đi đầu tạo lập tài khoản công dân số cho mình và gia đình; tuyên truyền, phổ biến đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt thông qua mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập tại từng thôn, tổ dân phố.

Hiện thành phố có 2.500 Tổ công nghệ số cộng đồng với 14.000 thành viên, trong đó, nòng cốt là đoàn viên, thanh niên và nhân viên doanh nghiệp công nghệ số sẽ đi từng nhà, hướng dẫn từng người dân tạo lập tài khoản công dân số. 

Cùng với công tác tuyên truyền, hướng dẫn, thành phố sẽ tiếp tục phát triển, nâng cấp, bổ sung các tính năng, dịch vụ, tiện ích trên nền tảng Công dân số để tạo thuận lợi và thu hút người dùng.

Thành phố xác định việc cung cấp dịch vụ phải theo hướng tích hợp với các dịch vụ dữ liệu, ứng dụng được cung cấp từ bộ, ngành Trung ương như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hộ tịch, bảo hiểm xã hội… để hạn chế thấp nhất việc phải sử dụng nhiều ứng dụng cùng lúc, cũng như phải khai báo lại nhiều thông tin khác nhau cho người sử dụng.

Kế hoạch đến hết năm 2022, cơ bản mỗi người dân trong độ tuổi lao động có tài khoản công dân số và hết năm 2025, cơ bản mỗi công dân Đà Nẵng có tài khoản công dân số và sử dụng trong dịch vụ công và các giao dịch, giao tiếp.

Hướng tới chuyển đổi số toàn diện

Ngày 22-9-2022, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Thông báo số 354-TB/TU đánh giá kết quả 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 của Thành ủy về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, chuyển đổi số được xác định là động lực mới, là cơ hội để giải quyết điểm nghẽn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nâng cao nhận thức, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ chuyển đổi số, nhất là ưu tiên hoàn thành các mục tiêu quan trọng theo Nghị quyết số 05-NQ/TU như đến năm 2025, 100% cơ quan Nhà nước tham gia cung cấp dữ liệu mở và sử dụng dữ liệu số; mỗi người dân độ tuổi lao động có điện thoại thông minh, có tài khoản số, hồ sơ sức khỏe điện tử; mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh có tài khoản số và có sử dụng ứng dụng chuyển đổi số; có 3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân; tỷ trọng kinh tế số đóng góp GRDP thành phố tối thiểu là 20%...

Để hướng tới chuyển đổi số toàn diện, ngoài các cơ quan Nhà nước, sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quyết định. Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Phần mềm quản lý doanh nghiệp Fast tại Đà Nẵng, nhận định việc Đà Nẵng 3 năm liên tiếp được vinh danh là cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc là kết quả xứng đáng, thể hiện sự quyết liệt trong thực thi chủ trương của Đảng, Chính phủ về chuyển đổi số của chính quyền thành phố; đồng thời mong muốn thành phố có những chủ trương cụ thể hơn để giúp cho các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công như: hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ nguồn vốn, hỗ trợ chuyên gia, hỗ trợ chính sách…

Anh Lê Tuấn Vũ, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng Mỹ Thạnh 2 (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), đánh giá thành phố đã có nhiều nền tảng tiện ích trong thời gian qua, giúp người dân hạn chế đi lại, tiết kiệm thời gian, công sức như nền tảng Công dân số.

Ông Trần Ngọc Thạch cho hay, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp các đơn vị liên quan tập trung hoàn thiện và triển khai, khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đặc biệt các cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, dân cư, hộ tịch, đồng thời tham mưu UBND thành phố ban hành các chính sách để thực sự khuyến khích, tạo động lực cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Đà Nẵng 3 năm liên tiếp đạt giải chuyển đổi số
UBND thành phố Đà Nẵng là 1 trong 7 đơn vị được vinh danh tại hạng mục “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” với nền tảng Công dân số thành phố Đà Nẵng tại lễ trao giải năm nay. Trước đó, năm 2020, Đà Nẵng được vinh danh với sản phẩm Cổng dịch vụ dữ liệu mở Đà Nẵng. Năm 2021 là sản phẩm Kho dữ liệu dùng chung thành phố Đà Nẵng.
Năm nay, ban tổ chức nhận được hơn 300 hồ sơ tham dự từ các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân trên toàn quốc. Nhiều hồ sơ có chất lượng nổi bật, ứng dụng nhiều công nghệ mới AI, bigdata, IOT, blockchain, cloud... trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng, năng lượng, logistics... Điểm mới của giải thưởng năm nay có thêm hạng mục “Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp nước ngoài”. Giải thưởng vẫn duy trì 4 hạng mục gồm: sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số tiêu biểu; doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc; cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc; sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số vì cộng đồng.

MAI QUẾ

.