Đà Nẵng cuối tuần
Xuất bản trước xu thế chuyển đổi số
Trong xu thế công nghệ số thay đổi nhu cầu thụ hưởng văn hóa theo hướng “nhanh, tinh, gọn”, ngành xuất bản cũng chịu những tác động lớn; từ đó đòi hỏi những thay đổi mạnh mẽ để thích ứng.
Nhiều tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được ra mắt phiên bản sách nói thông qua ứng dụng sách nói Voiz FM từ 12-2-2022. (Ảnh chụp tác giả sách tại Hội chợ sách Hải Châu năm 2017). Ảnh: T.Y |
Sự dịch chuyển tất yếu
“Covid-19 đã thay đổi rất nhiều thói quen, hành vi của con người. Tôi nhận thấy có một nền văn hóa hậu đại dịch, mà trong đó không gian số đã trở thành một chiều kích thứ hai của cuộc sống con người, song song với đời sống thực. Đọc sách số là một sự thay đổi tất yếu trong thói quen của người đọc. Vì thế, chuyển đổi số cũng là một xu hướng tất yếu trong xuất bản”. Trả lời báo chí về chuyển đổi số trong xuất bản, TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh, giảng viên khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, sáng lập và điều hành dự án Phát triển văn hóa đọc “Sách ơi mở ra”, cho biết như vậy.
Về lợi ích, TS. Ngọc Minh phân tích: “Sách số giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, giúp việc tiếp cận sách của người đọc trở nên vô cùng nhanh chóng và tiện lợi. Sách số dưới dạng audio, video cũng khiến cho tri thức có thể dễ dàng đến với các đối tượng yếu thế như người mù, người cao tuổi, người không có điều kiện học hành, trẻ em trước tuổi đến trường… và bởi vậy nó góp phần tạo nên sự bình đẳng trong cơ hội tiếp cận tri thức. Việc phổ biến sách số dưới dạng audio, video, nếu hấp dẫn, lôi cuốn, có thể trở thành một trào lưu, thậm chí cạnh tranh với những trào lưu xem các video nhảm nhí của giới trẻ ngày nay”.
Nhìn tổng thể xuất bản thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay, các đơn vị xuất bản, phát hành đã và đang chuyển hướng mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của công cuộc chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số đem lại lợi ích cho cả đôi bên - cả đơn vị xuất bản, phát hành và người thụ hưởng. Với đơn vị xuất bản, phát hành, đó là nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thị trường, bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển; với người thụ hưởng thì đó là những tiện ích to lớn mà sách giấy không thể mang lại.
Ở Việt Nam hiện nay, ngành xuất bản đã có những chuyển động theo xu hướng chuyển đổi số, khởi đầu bằng việc số hóa, xuất bản sách điện tử (ebook), sách nói (audiobook)... Theo thống kê, đến tháng 5-2022, cả nước có 16 nhà xuất bản được cấp phép xuất bản phẩm điện tử. Số liệu nộp lưu chiểu năm 2020 là 2.000 xuất bản phẩm điện tử, năm 2021 là 2.300 xuất bản phẩm và 6 tháng đầu năm 2022 là 1.142 xuất bản phẩm.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), hình thức xuất bản điện tử chủ yếu mới chỉ dừng ở số hóa sách đã xuất bản. Những hình thức mới như sách audio, sách thực tế ảo, sách tương tác giữa bạn đọc, tác giả và nhà xuất bản chưa có nhiều. Vì vậy, thời gian tới, Cục Xuất bản, In và Phát hành khuyến khích, thúc đẩy số lượng cũng như chất lượng của xuất bản điện tử; đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử (tính theo đầu sách) đạt 15% vào năm 2025. Để làm được điều này, ông Nguyễn Nguyên cho rằng, hai yếu tố quan trọng nhất cho chuyển đổi số mà các đơn vị xuất bản cần chuẩn bị là thay đổi nhận thức và chất lượng nhân lực; cùng với đó là sự tham gia của các đơn vị liên quan.
Sách số giúp bạn đọc thay đổi thói quen đọc sách. Ảnh: Ram |
Những nút thắt cần tháo gỡ
Việc thay đổi nhận thức về chuyển đổi số trong xuất bản đang được triển khai tuyên truyền một cách mạnh mẽ. Ngày 10-10 năm nay, cùng với kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách, Chính phủ quyết định lấy ngày này làm Ngày Chuyển đổi số Quốc gia; qua đó thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong xuất bản nói riêng.
Tuy nhiên, thực hiện việc chuyển đổi số trong xuất bản còn những vấn đề phải tháo gỡ. Phát biểu tại hội thảo nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam và NXB Chính trị quốc gia Sự Thật tổ chức mới đây, PGS. TS. Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng: “Hiện nay, ở nước ta chủ yếu là xuất bản điện tử (với các sản phẩm chính như ebook, audiobook, CDROM...) - một nhánh của xuất bản số; theo đó nội hàm và cấu trúc của xuất bản số ở nước ta về cơ bản chưa được định hình rõ nét”.
Bên cạnh việc thay đổi nhận thức và chất lượng nhân lực như ông Nguyễn Nguyên đề cập, vấn đề hiện nay là vốn. Đầu tư cho hạ tầng công nghệ và nguồn lực để duy trì, vận hành, nâng cấp thường xuyên… tốn nguồn kinh phí không nhỏ; trong khi các cơ quan chủ quản chưa đầu tư nhiều, phần lớn các nhà xuất bản có nguồn vốn ít, việc kinh doanh đang gặp khó khăn. Một số nhà xuất bản, đơn vị phát hành đang tính toán đến việc thuê hạ tầng, đơn vị vận hành…, nhưng còn gặp những vấn đề khác. Bản quyền xuất bản phẩm lâu nay là vấn đề nhức nhối, bởi sự xuất hiện của sách giả, sách lậu…, cộng với sự phát triển của công nghệ số hiện nay lại càng bức xúc hơn. Nhiều xuất bản phẩm bị các trang mạng số hóa, sao chép, phát hành tràn lan nhưng xử lý chưa đến nơi đến chốn.
Cùng với đó, phương thức xuất bản và phát hành trên môi trường số phải được xác lập và nhanh chóng thay đổi cho phù hợp với bước tiến công nghệ. Ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc điều hành Công ty CP WAKA - một trong những đơn vị tiên phong trong phát hành sách điện tử, lấy ví dụ: “Hiện tại, không có dịch vụ sách điện tử nào cho phép người dùng bán lại sách của mình (đã mua). Điều này đặt ra câu hỏi: Khi bạn mua sách điện tử hoặc mua tệp/files kỹ thuật số khác, bạn có sở hữu nó không? Các nhà xuất bản yêu cầu rằng khi người dùng mua một cuốn sách điện tử, họ chỉ đơn thuần là được cấp quyền sử dụng nó”.
Vì vậy, ông Đinh Quang Hoàng cho rằng phải sử dụng công nghệ mới như blockchain (công nghệ chuỗi - khối) để hóa giải điều này: “Nếu tôi sở hữu sách điện tử có hàm băm chuyên dụng, tôi có thể chuyển quyền sở hữu cho người khác và máy chủ giám sát hàm băm sẽ nhận ra nó”; qua đó làm sinh động hơn phương thức xuất bản và phát hành sách điện tử...
Để chuyển đổi số trong xuất bản tạo ra bước tiến mới, cần đầu tư về hành lang pháp lý, nhân lực, vật lực… để hóa giải những vấn đề trên. Đồng thời, tính toán phù hợp giữa các loại hình xuất bản phẩm trong quá trình chuyển đổi, như TS Ngọc Minh đánh giá: “Các nhà khoa học đã nghiên cứu người ta thường nhảy cóc trung bình 27 lần/giờ khi đọc sách điện tử, đồng thời cũng chứng minh được tác dụng của sách giấy trong việc gia tăng khả năng tập trung và tư duy sâu của con người. Vì thế, tôi cho rằng một ngành xuất bản hiện đại và nhân văn cần phải tạo ra một hệ sinh thái đa dạng các loại hình sách, nhằm thích ứng linh hoạt với điều kiện của người đọc và tạo nên sự bình đẳng về cơ hội đọc cho tất cả mọi người”.
Những chuyển động phù hợp xu thế
Năm 2020, khi Covid-19 bùng phát ở nước ta và các chính sách phòng chống dịch bệnh được triển khai, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị tổ chức hình thức phát hành sách phù hợp nhân Ngày Sách Việt Nam 21-4 (đến năm 2022 được chuyển thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam). Theo đó, hội sách trực tuyến lần đầu tiên được tổ chức từ ngày 16-4 đến ngày 10-6-2020, tại địa chỉ book365.vn, thu hút sự tham gia của 54 nhà xuất bản và đơn vị phát hành với gần 2 triệu lượt truy cập, nhận được hơn 11.000 đơn đặt hàng với trên 13.000 cuốn sách đến tay bạn đọc.
Hội sách trực tuyến lần 2 (năm 2021) tổ chức từ ngày 17-4 đến 21-5, có gần 100 đơn vị xuất bản, phát hành trong và ngoài nước tham gia, với hơn 5,9 triệu lượt truy cập, cung cấp hơn 40.000 cuốn sách đến bạn đọc, doanh số theo giá bán (giảm giá) đạt 3,5 tỷ đồng. Hội sách trực tuyến lần 3 (năm 2022) với chủ đề “Thắp lửa tri thức” diễn ra từ ngày 19-4 đến 20-5, với nhiều hoạt động mới mẻ, trong đó Cuộc thi nhà thông thái thu hút hơn 9.000 lượt thanh thiếu niên tham gia… Tại các hội sách trên, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành thực hiện giảm giá đặc biệt và hỗ trợ chi phí vận chuyển sách đến tay độc giả trên toàn quốc. Cùng với đó, đơn vị tổ chức triển khai nhiều hoạt động bên lề với các ứng dụng công nghệ mới, thúc đẩy sự quan tâm đến sách và văn hóa đọc của đông đảo công chúng.
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người đọc, Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình sách Quốc gia với mục tiêu ứng dụng công nghệ số trong hoạt động xuất bản nhằm tăng cường cung cấp, phổ biến tri thức, nâng cao dân trí, phát triển văn hóa; trong đó, giai đoạn 2022-2026, xuất bản mới và tái bản 500 đầu sách về chính trị-xã hội và văn hóa, thông tin đối ngoại và thiếu niên-nhi đồng. Cục Xuất bản, In và Phát hành triển khai đưa chủ trương sách tinh gọn (sách tóm tắt) thành xu hướng mới, khai thác tiềm năng để phát triển lâu dài trong bối cảnh chuyển đổi số... |
ANH QUÂN