Công nghệ
Thúc đẩy phát triển các trụ cột và lĩnh vực thông minh
Để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh, thành phố đặt ra 6 trụ cột và 16 lĩnh vực thông minh để thực hiện. Trong đó, 6 trụ cột là quản trị thông minh, giao thông thông minh, môi trường thông minh, đời sống thông minh, kinh tế thông minh và công dân thông minh. Đến nay, thành phố cơ bản triển khai đồng bộ, có sản phẩm cụ thể ở 6 trụ cột.
Người dân và doanh nghiệp cần được đặt làm trung tâm, chủ thể phục vụ trong quá trình chuyển đổi số. TRONG ẢNH: Nhân viên Công ty TNHH Tekup Solutions đang làm việc tại văn phòng. Ảnh: M.Q |
Quản trị thông minh gồm 3 lĩnh vực: trung tâm giám sát và điều hành thông minh, dịch vụ công thông minh và dữ liệu mở. Theo đó, thành phố đã hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử, trục tích hợp chia sẻ dữ liệu thành phố LGSP và kết nối với Trục liên thông quốc gia NGSP; triển khai hệ thống giám sát tập trung Mini IOC và 6 dịch vụ đô thị thông minh cơ bản theo hướng dẫn thí điểm dịch vụ đô thị của Bộ Thông tin và Truyền thông (dịch vụ phản ánh, góp ý; giám sát dịch vụ công; giám sát giao thông; giám sát an ninh trật tự đô thị; giám sát an toàn thông tin; giám sát thông tin mạng xã hội) và 12 dịch vụ tăng thêm khác như giám sát môi trường nước, không khí…
Thành phố đưa vào sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ https://dichvucong.danang.gov.vn, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai gần 97% dịch vụ công trực tuyến mức 3,4; gần 60% hồ sơ trực tuyến; mở rộng cổng thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thủ tục hành chính với nhiều đối tác và phương thức thanh toán.
Kinh tế thông minh gồm 3 lĩnh vực: thương mại thông minh, du lịch thông minh và nông nghiệp thông minh. Theo đó, thành phố đã xây dựng sàn thương mại điện tử và ứng dụng di động nhằm giúp các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và kinh doanh trên môi trường trực tuyến; đến nay đã có hơn 1.770 doanh nghiệp và 2.582 sản phẩm tham gia trên sàn. Thành phố cũng tích cực triển khai đưa các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; triển khai giải pháp triển lãm ảo và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xúc tiến bán hàng trực tuyến.
Tháng 4-2022, thành phố phối hợp Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel) Đà Nẵng triển khai mô hình “Chợ 4.0” tại các chợ lớn trên địa bàn. Thành phố cũng ứng dụng công nghệ số mạnh mẽ trong du lịch bằng cách triển khai ứng dụng “Một chạm đến Đà Nẵng - VR360”, ứng dụng chatbot hỗ trợ khách du lịch, bản đồ số các điểm di tích trên địa bàn, sàn giao dịch du lịch trực tuyến và hội chợ du lịch ảo trực tuyến…
Đời sống thông minh bao gồm: giáo dục thông minh, y tế thông minh, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn ứng cứu khẩn cấp và phòng chống thiên tai. Một số kết quả nổi bật của trụ cột này là triển khai ứng dụng y tế điện tử tại 100% trạm y tế xã, phường; hình thành hồ sơ y tế điện tử công dân và quản lý mã bệnh nhân (ID) toàn thành phố. Hiện có gần 1,37 triệu dữ liệu người dân đã đồng bộ, tích hợp với 16/16 bệnh viện và 56/56 trạm y tế xã phường trên địa bàn thành phố; thành phố xây dựng cở sở dữ liệu các nhà hàng, cơ sở được cấp giấy an toàn thực phẩm và quán ăn đường phố cam kết an toàn thực phẩm; triển khai các trạm đo mưa, đo mực nước…
Về môi trường thông minh, thành phố đã xây dựng nền tảng dịch vụ tích hợp quan trắc môi trường và triển khai các trạm quan trắc môi trường nước mặt, nước thải, không khí trên địa bàn thành phố để theo dõi, giám sát tập trung; triển khai hệ thống giám sát cấp nước tại nhà máy nước Cầu Đỏ… Với giao thông thông minh, thành phố đã hình thành trung tâm giám sát giao thông với gần 200 nút tín hiệu điều khiển giao thông tại các nút giao thông; thực hiện thí điểm chức năng đo đếm lưu lượng qua camera, tự động điều khiển đèn tín hiệu điều khiển giao thông theo thời gian thực; gần 300 camera giám sát giao thông thông minh và ứng dụng nhận dạng, phân loại phương tiện, thực hiện truy vết lộ trình xe tự động qua biển số, theo dõi tình hình ùn tắc, tai nạn giao thông…
Ông Sử Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Tâm Hợp Nhất (Unitech, quận Hải Châu) cho biết, Unitech xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của doanh nghiệp là xây dựng các sản phẩm góp phần phục vụ công cuộc tin học hóa đất nước. Vì vậy, nhiều sản phẩm phục vụ chuyển đổi số cho các cơ quan quản lý Nhà nước được Unitech tập trung nghiên cứu và phát triển không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố khác. Các sản phẩm này đều dựa trên các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy việc xây dựng chính quyền điện tử và thực tế nhu cầu tin học hóa các nghiệp vụ quản lý Nhà nước, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) để quản lý và phục vụ công dân, tổ chức. Unitech sẽ tiếp tục cải tiến các sản phẩm đã triển khai, áp dụng các công nghệ tiên tiến để phục vụ tốt hơn cho người dùng. Đồng thời, doanh nghiệp tiếp tục xây dựng mới các sản phẩm, nền tảng, các hệ CSDL, các giải pháp tích hợp…
Theo Phó Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông thành phố Trần Ngọc Thạch, người dân và doanh nghiệp cần được đặt làm trung tâm, chủ thể phục vụ. Chính quyền cần thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng dữ liệu và tình hình sử dụng, tái cấu trúc quy trình để sử dụng hiệu quả hoặc kế thừa dữ liệu số, xem việc cung cấp dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp là một kết quả. Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp các đơn vị, địa phương triển khai sử dụng, khai thác hiệu quả các ứng dụng, CSDL chuyên ngành, dịch vụ công trực tuyến, đồng thời đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, thu hút nguồn lực và công nghệ, giải pháp của các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia để hỗ trợ triển khai thành phố thông minh.
MAI QUẾ