Đà Nẵng cuối tuần
Đẩy nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế
Năm 2022, Đà Nẵng ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành y tế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác quản lý Nhà nước và hoạt động sự nghiệp của ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực y tế nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh.
Nhiều bệnh viện, cơ sở y tế tại Đà Nẵng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào hoạt động khám, chữa bệnh. Trong ảnh: Công tác khám, chữa bệnh tại Thiện Nhân Hospital hiệu quả hơn nhờ ứng dụng các phần mềm công nghệ số. Ảnh: T.Y |
Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế thành phố cho biết, cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT) của hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế thành phố cơ bản đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ số, hình thành nền y tế thông minh với 3 nội dung chính gồm: phòng bệnh thông minh; khám bệnh, chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
* Ngành y tế Đà Nẵng đang tập trung xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, phát triển y tế thông minh. Đến thời điểm hiện tại, ngành đã triển khai nội dung này đến đâu, thưa bác sĩ?
Có thể nói chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong khám bệnh, chữa bệnh là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế. Thực hiện mục tiêu này, UBND thành phố đã ban hành khung kiến trúc ứng dụng CNTT ngành y tế, tăng cường khả năng liên thông, kết nối, tích hợp các dịch vụ y tế như đăng ký lịch tiêm chủng, khám chữa bệnh qua mạng, thanh toán không dùng tiền mặt, bệnh án điện tử…
Ngoài tăng cường nhận thức ứng dụng CNTT đối với cán bộ, nhân viên, Sở Y tế phát động thi đua chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế; tìm giải pháp xây dựng bệnh viện thông minh và khám chữa bệnh từ xa Telehealth. Sau khi ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành y tế thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Y tế ban hành kế hoạch triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trong lĩnh vực y tế. Đồng thời, đề nghị các đơn vị khám, chữa bệnh triển khai thí điểm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp và thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành y tế.
Nhờ tích cực chuyển đổi, đến nay 100% trạm y tế phường, xã triển khai ứng dụng y tế điện tử; 16/16 trung tâm y tế quận, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa ứng dụng quản lý bệnh viện và khám, chữa bệnh điện tử; hình thành hồ sơ y tế điện tử công dân và quản lý mã (ID) bệnh nhân. Công tác đầu tư hạ tầng thiết bị số được thực hiện đồng bộ, kết nối liên thông hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh y tế (PACs) giữa một số trung tâm y tế quận, huyện và Bệnh viện Đà Nẵng.
Hiện nay thành phố đang nâng cấp hệ thống hồ sơ sức khỏe, thí điểm bệnh viện thông minh bao gồm bệnh án điện tử và hệ thống thiết bị liên quan tại Bệnh viện Ung bướu cũng như tiếp tục duy trì hình thức đặt lịch khám qua mạng, thanh toán trực tuyến. Một số bệnh viện như Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Bệnh viện Hòa Vang… đang trong quá trình thí điểm không sử dụng bệnh án giấy, sử dụng hệ thống PACs chẩn đoán hình ảnh, tiếp đón tự động thông qua KIOS, quản lý phác đồ điều trị điện tử… Đặc biệt, Sở Y tế phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng ứng dụng quản lý, giám sát hành trình xe cấp cứu nhằm hỗ trợ người dân nhanh nhất.
* Để thúc đẩy chuyển đổi số, ngành y tế chuẩn bị nhân lực, vật lực ra sao?
Hiện nay, hạ tầng, nền tảng kỹ thuật CNTT của ngành y tế về cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Cụ thể, 100% bệnh viện có máy chủ, phòng máy chủ, đường truyền internet, 100% đơn vị trực thuộc có hệ thống mạng LAN, trang bị máy quét mã vạch quét thẻ bảo hiểm y tế, khai báo y tế… Để hỗ trợ các đơn vị chuyển đổi số, Sở Y tế định kỳ hằng năm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng số cơ bản, kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số cho cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành. Ngoài ra, một số bệnh viện, cơ sở y tế như Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Trung tâm Y tế quận Hải Châu… đang tập trung nguồn lực chuyển đổi số, như bố trí nhân lực CNTT, phòng server để phục vụ mục tiêu chuyển đổi số.
* Bác sĩ đánh giá như thế nào về chỉ số ứng dụng CNTT trong hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế ở Đà Nẵng hiện nay?
Trên cơ sở kế hoạch chuyển đổi số của UBND thành phố, kế hoạch chuyển đổi số ngành y tế, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình hoạt động đơn vị; đề xuất xây dựng bệnh viện thông minh tại Bệnh viện Ung bướu; nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu, hồ sơ sức khỏe công dân, chăm sóc y tế qua mạng, đặt mục tiêu thực hiện trong hai năm 2022, 2023. Mục tiêu đến năm 2025, Đà Nẵng có 100% trạm y tế phường, xã có khả năng tiếp nhận, khám chữa bệnh cho người dân thông qua sự hỗ trợ, tư vấn từ xa của chuyên gia y tế tuyến trên; duy trì trên 97% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% các bệnh viện sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân.
Tuy nhiên, để đáp ứng tiêu chí mô hình bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ (theo nội dung Thông tư 54/2017/TT-BYT ngày 29-12-1017 của Bộ Y tế về ban hành bộ tiêu chí ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám, chữa bệnh), ngành y tế Đà Nẵng cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng phục vụ các nhóm quản lý điều hành, thông tin bệnh viện, hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh, bảo mật và an toàn thông tin…
* Để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, giải pháp ngành thực hiện trong thời gian đến là gì?
Muốn đầu tư cơ sở hạ tầng chuyển đổi số cần kinh phí rất lớn, đặc biệt trong hệ thống PACs. Tuy nhiên, hiện chi phí cho ứng dụng CNTT tại Đà Nẵng chưa được cơ cấu trong nhóm giá dịch vụ khám, chữa bệnh nên các bệnh viện chủ yếu sử dụng quỹ đầu tư phát triển của đơn vị để mua sắm máy móc. Nhiều chương trình, phần mềm do Bộ Y tế triển khai nhưng các chương trình, phần mềm không liên kết, chia sẻ thông tin với nhau gây khó khăn trong tiếp nhận, triển khai. Ngoài ra, ngành y tế chưa được hướng dẫn cụ thể về vấn đề thuê dịch vụ CNTT, chưa kể đội ngũ nhân lực CNTT tại một số đơn vị mỏng, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Nhiều bệnh viện triển khai thanh toán không dùng tiền mặt nhưng phí trung gian cao khiến nhiều bệnh nhân/người nhà bệnh nhân từ chối dịch vụ.
Chuyển đổi số đóng góp quan trọng vào hiệu quả khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai xây dựng đề án phát triển y tế thông minh, bệnh viện thông minh, chăm sóc y tế qua mạng, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu, hồ sơ sức khỏe công dân trong năm 2023. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị đơn giản hóa quy trình thủ tục, khuyến khích các khoa, phòng đủ điều kiện sử dụng bệnh án điện tử thay bệnh án giấy cũng như xây dựng vị trí việc làm CNTT và bổ sung nhân lực đáp ứng nhiệm vụ chuyển đổi số.
TIỂU YẾN