Công nghệ

Nhiều giải pháp, công nghệ mới bảo vệ môi trường

13:50, 09/01/2023 (GMT+7)

Năm 2022, thành phố đầu tư, thí điểm, vận hành thử nhiều giải pháp, công nghệ mới trong công tác bảo vệ môi trường. Những giải pháp, công nghệ này được đưa vào vận hành từ năm 2023 kỳ vọng sẽ mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường của thành phố.

Nhân viên Công ty CP kỹ thuật SEEN tại Đà Nẵng vận hành hệ thống xử lý nước thải bảo đảm môi trường. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Nhân viên Công ty CP kỹ thuật SEEN tại Đà Nẵng vận hành hệ thống xử lý nước thải bảo đảm môi trường. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Thay đổi phương thức thu gom, vận chuyển rác

Trong những ngày cuối cùng của năm 2022, các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan của thành phố khẩn trương thực hiện những thủ tục hành chính để đưa 2 trạm trung chuyển rác hiện đại ở đường Lê Thanh Nghị (quận Hải Châu) và khu vực quận Sơn Trà cũng như 14 xe ép rác loại nhỏ thế hệ mới vào hoạt động đồng bộ trước Tết Quý Mão 2023.

Cả 2 trạm trung chuyển được đầu tư với tổng kinh phí 312 tỷ đồng với 6 hệ thống ép rác tiên tiến có tổng công suất gần 700 tấn/ngày; 2 hệ thống nghiền các loại rác cồng kềnh, kích thước lớn như: giường, tủ, bàn, ghế, nệm... và các xe hooklift chở thùng kín chứa rác đã được ép với sức chứa 10,35 tấn/thùng cùng hệ thống xử lý nước rỉ rác, rửa xe tự động, thu và khử mùi hôi...

Cả 2 trạm đều do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng được UBND thành phố giao làm chủ đầu tư kiêm điều hành dự án; Liên danh Công ty CP Kỹ thuật SEEN (SEEN) và Tổng Công ty TNHH MTV Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) thi công.

Tháng 12-2022, SAMCO và Công ty CP Vận tải-thương mại và xây dựng công nghiệp Đức Long đã bàn giao cho Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng 14 xe ép rác kiểu cặp thùng, nắp đậy loại có dung tích thùng 4m3, trọng tải 1,5 tấn (10 xe) và dung tích thùng 7m3, trọng tải 3 tấn (4 xe), với tổng mức đầu tư 15,7 tỷ đồng để chuẩn bị đưa vào hoạt động đồng bộ với 2 trạm trung chuyển rác hiện đại nói trên. Ông Đặng Quế Hùng, đại diện SAMCO nhìn nhận: “Nếu như trạm trung chuyển rác ở đường Lê Thanh Nghị có công nghệ tiên tiến và quy mô lớn nhất Việt Nam, thì trạm trung chuyển rác Sơn Trà hoàn thiện hơn.

Cùng với đó, 14 xe ép rác cỡ nhỏ thế hệ mới do Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đầu tư để vận hành đồng bộ với 2 trạm trung chuyển rác. Có thể khẳng định rằng, đây không chỉ là việc đổi mới công nghệ, thiết bị và phương tiện thu gom, trung chuyển rác, mà là giải pháp kỹ thuật đồng bộ giúp thay đổi mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường của thành phố Đà Nẵng cũng như tạo nét văn minh đô thị của thành phố du lịch, phát triển”.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Nam Sơn cho rằng, thời gian qua, thành phố đã nỗ lực thay đổi phương thức thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt, trong đó, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị hiện đại. Điều này thể hiện sự thay đổi trong phương thức thu gom, vận chuyển, xử lý rác của thành phố cũng như hướng đến đáp ứng các yêu cầu của công tác này những năm đến.

“Sở Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu UBND thành phố sớm đưa vào vận hành 2 trạm trung chuyển rác hiện đại. Đồng thời, đề nghị các đơn vị trúng thầu dịch vụ vệ sinh công cộng ở các quận, huyện tiếp tục đầu tư trang thiết bị, xe để đưa vào hoạt động ở các tuyến đường nhỏ từ 3,75m trở xuống, nhằm nâng cơ giới hóa công tác thu gom rác và rút ngắn thời gian vận chuyển rác”, ông Phạm Nam Sơn nhấn mạnh.

Trong năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố tiếp tục triển khai đầu tư 2 trạm trung chuyển rác hiện đại tại khu vực quận Cẩm Lệ và quận Ngũ Hành Sơn với tổng mức đầu tư 174,2 tỷ đồng; cải tạọ trạm trung chuyển rác tại đường Nguyễn Đức Trung và nâng cấp, cải tạo và đầu tư trang thiết bị hiện đại tại các trạm trung chuyển hiện trạng. Đồng thời, tiếp tục triển khai, hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư đối với 2 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại bãi rác Khánh Sơn để đáp ứng yêu cầu xử lý rác của thành phố trong những năm đến.

Hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải, quan trắc môi trường

Trong năm 2022, các đơn vị hoàn thành thi công tuyến ống thu gom nước thải dọc đường Nguyễn Tất Thành với tổng mức đầu tư 444 tỷ đồng; trạm xử lý nước thải Phú Lộc (giai đoạn 2) để nâng công suất xử lý nước thải từ 45.000m3/ngày lên 105.000m3/ngày, với tổng mức đầu tư 321 tỷ đồng; nâng cấp trạm xử lý nước thải Sơn Trà thêm 40.000m3/ngày có tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng; trạm xử lý nước thải Liên Chiểu có công suất 20.000m3/ngày với tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng...

Các đơn vị cũng đang triển khai thi công, hoàn thành trong năm 2023 đối với hệ thống thu gom nước thải riêng và các tuyến cống chuyển nước mưa về sông Hàn của lưu vực từ đường Hồ Xuân Hương đến giáp tỉnh Quảng Nam với tổng mức đầu tư 1.340 tỷ đồng; tuyến ống nước thải dọc đường 2 Tháng 9 (đoạn từ đường Phan Thành Tài đến Thăng Long) có mức đầu tư 168,3 tỷ đồng...

Phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thị Kim Hà cho biết, lượng nước thải sinh hoạt đô thị trên địa bàn thành phố đã được thu gom, xử lý hơn 88%. Bên cạnh đó, 100% nước thải phát sinh tại các khu công nghiệp được thu gom, xử lý và được quan trắc tự động, liên tục. Khi thành phố đầu tư hoàn thành các trạm xử lý nước thải đang triển khai thì mỗi ngày có 340.500m3 nước thải được thu gom, xử lý.

Thành phố cũng đang triển khai đầu tư các trạm quan trắc môi trường tự động, đặc biệt là 2 trạm quan trắc tự động và liên tục nước sông Vu Gia và Thu Bồn. Từ nay đến năm 2025, thành phố tổ chức quan trắc môi trường không khí, nước sông, nước hồ, nước biển ven bờ, nước dưới đất, môi trường đất, trầm tích tại 130 vị trí quan trắc trên địa bàn thành phố để kịp thời đánh giá hiện trạng, diễn biến môi trường nhằm cảnh báo và triển khai các biện pháp bảo vệ, ứng phó, cải thiện chất lượng môi trường, bảo đảm sức khỏe và môi trường sống trong lành cho người dân, du khách.

HOÀNG HIỆP

.