Công nghệ

Hỗ trợ người dân chuyển đổi số

09:12, 01/02/2023 (GMT+7)

Với sức trẻ, sự năng động, nhạy bén với khoa học-công nghệ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) được coi là lực lượng nòng cốt trong công cuộc hỗ trợ chuyển đổi số, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Sau khi Đội Thanh niên tình nguyện chuyển đổi số cộng đồng phường Hòa Hiệp Bắc được thành lập, các thành viên trong đội đã dành nhiều thời gian xuống địa bàn để hỗ trợ, hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng thông minh. Ảnh: T.H
Sau khi Đội Thanh niên tình nguyện chuyển đổi số cộng đồng phường Hòa Hiệp Bắc được thành lập, các thành viên trong đội đã dành nhiều thời gian xuống địa bàn để hỗ trợ, hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng thông minh. Ảnh: T.H

Tích cực hỗ trợ người dân

Phường Hòa Hiệp Bắc là địa phương đầu tiên của quận Liên Chiểu thực hiện việc hỗ trợ chuyển đổi số bằng việc ra mắt Đội Thanh niên tình nguyện chuyển đổi số cộng đồng. Chị Huỳnh Võ Hà Lê, Bí thư Đoàn phường Hòa Hiệp Bắc cho biết, sau khi đội được thành lập, các thành viên dành nhiều thời gian xuống địa bàn để hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ như: tải các app về thanh toán điện, nước, mua bán trực tuyến không dùng tiền mặt... Ngoài ra, đội hướng dẫn, giúp người dân tạo địa chỉ số, tài khoản công dân điện tử; cài đặt, sử dụng các dịch vụ công như: Da Nang Smart City, ứng dụng góp ý, ứng dụng tại Cổng dịch vụ công và ứng dụng khai báo y tế điện tử…

“Đội Thanh niên tình nguyện chuyển đổi số cộng đồng của phường sẽ tiếp tục mang “cuộc sống số” đến tận các hộ dân, giúp người dân nâng cao nhận thức và ứng dụng công nghệ số vào đời sống, hướng đến một xã hội hiện đại, thông minh và tiện ích”, chị Lê chia sẻ.

Tại huyện Hòa Vang đã thành lập 113 tổ công nghệ số cộng đồng. Nhiệm vụ của tổ là hướng dẫn người dân cách truy cập các cổng thông tin điện tử thành phố, quận, huyện, phường, xã; sử dụng tài khoản công dân số, sử dụng các ứng dụng để thanh toán.

Theo Bí thư Huyện Đoàn Hòa Vang Nguyễn Thị Giang Thủy, ngoài việc thành lập 113 tổ công nghệ số cộng đồng, từ đầu năm 2022, Huyện Đoàn tập trung chỉ đạo các đơn vị Đoàn trực thuộc tích cực triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, đây được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong năm. Ông Nguyễn Phú Thơ (thôn Yến Nê 2, xã Hòa Tiến) chia sẻ: “Khi đến  xã giải quyết công việc, tôi đã được các ĐVTN  hướng dẫn sử dụng các tiện ích trực tuyến. Nhờ vậy, tôi biết sử dụng các tiện ích trực tuyến mà không phải đến trực tiếp nơi giao dịch nữa. Rất thuận lợi và tiết kiệm thời gian đi lại cho tôi và người dân”.

Tăng cường tuyên truyền, tập huấn kiến thức

Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện vẫn còn không ít người dân vẫn chưa nắm được kiến thức cơ bản về chuyển đổi số. Vì vậy, công tác tuyên truyền và hỗ trợ, hướng dẫn người dân làm quen với chuyển đổi số từ những ứng dụng thiết thực như: thanh toán trực tuyến, mua bán online... là việc làm hết sức cần thiết và thường xuyên.

Phó Bí thư Quận Đoàn Thanh Khê Mai Hồng Anh cho rằng, đoàn viên  là lực lượng tiên phong, nòng cốt, là hạt nhân để lan tỏa tinh thần số, kỹ năng số đến với mọi người dân. Vì vậy, Quận Đoàn thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hướng dẫn công dân truy cập vào website https://dichvucong.danang.gov.vn/ để sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện, giải quyết các thủ tục hành chính. Đồng thời, thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện là cán bộ, ĐVTN, công chức trẻ đang làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp quận và  phường để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện giao dịch đối với dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử.

Bên cạnh ứng dụng chuyển đổi số vào công tác cải cách thủ tục hành chính, đoàn viên  còn tham gia “Ngày thứ Bảy tình nguyện” để hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số tương tác với chính quyền qua mô hình Chính quyền điện tử Zalo cấp phường, cấp quận tại mục “Dân hỏi - Phường đáp”; hướng dẫn người dân thanh toán trực tuyến qua ví VNpay tại tổ giao dịch một cửa và vận động người dân mở tài khoản thanh toán điện tử, với phương châm thanh toán không dùng tiền mặt. Thời gian qua, các Tổ công nghệ số cộng đồng và lực lượng đoàn viên tham gia đưa nền tảng MyPortal - nền tảng công dân số được tích hợp trên ứng dụng “DaNang Smart City” đến từng người dân, hướng dẫn tạo tài khoản cho người dân.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, toàn thành phố có hơn 2.500 tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 14.000 thành viên, trong đó, nòng cốt là đoàn viên, thanh niên và nhân viên doanh nghiệp công nghệ số sẽ đi từng nhà, hướng dẫn từng người dân tạo lập tài khoản công dân số. Thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn triển khai nền tảng công dân số với hai nhiệm vụ chính, gồm: triển khai đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố, mỗi cán bộ, công chức, viên chức đi đầu tạo lập tài khoản công dân số cho mình và gia đình; tuyên truyền, phổ biến đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt thông qua mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập tại từng thôn, tổ dân phố.

“Đề nghị các địa phương chủ động phối hợp các ngành chức năng tham mưu tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ Đoàn, các thành viên tham gia tổ công nghệ số cộng đồng. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ… để họ làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc chuyển đổi số”, ông Thạch nhấn mạnh. 

TRỌNG HÙNG  - THANH PHƯƠNG

.