Công nghệ
Tiên phong chuyển đổi số
Trong hai năm liên tiếp 2020-2021, Đà Nẵng xếp vị trí thứ Nhất toàn quốc về chuyển đổi số theo Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, khẳng định vị trí tiên phong chuyển đổi số của thành phố.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số năm 2023 của thành phố là triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số. TRONG ẢNH: Nhân viên Công ty CP Zinwork (quận Thanh Khê) đang làm việc tại văn phòng. Ảnh: M.Q |
Tiên phong dẫn đầu
Để xếp loại chỉ số DTI, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành 8 chỉ tiêu thành phần, đó là nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, hoạt động chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Trong đó, Đà Nẵng dẫn đầu hầu hết các chỉ số thành phần, nổi bật là xã hội số và an toàn thông tin mạng. Về xã hội số, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động tại Đà Nẵng đứng đầu toàn quốc, với 276 máy/100 dân; điện thoại thông minh: 105 máy/100 dân; trung bình gần 2 tài khoản mạng xã hội/1 người dân.
Số tài khoản giao dịch đang còn hoạt động tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác của người từ 15 tuổi trở lên là hơn 2,32 triệu tài khoản; gấp 4 lần số người dân từ 15 tuổi trở lên (579.541 người). Cơ bản mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử kết hợp với mã (ID) duy nhất; mỗi học sinh có 1 mã (ID) duy nhất gắn với học bạ điện tử.
Thành phố triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích để người dân, doanh nghiệp sử dụng, qua đó có được sự tương tác giữa chính quyền và người dân trên môi trường số cao như: nền tảng tích hợp đa dịch vụ, tiện ích Danang Smart City (1,1 triệu lượt tải); nền tảng công dân số MyPortal (hơn 240.000 người dân có tài khoản công dân số và 11 kho dữ liệu số trên hệ thống chính quyền điện tử). Theo số liệu đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, Đà Nẵng có 95,84% hộ gia đình có người có điện thoại thông minh; 45,77% hộ gia đình có địa chỉ số; 59,53% người dân có kỹ năng số.
Một yếu tố then chốt nhằm bảo đảm chuyển đổi số thành công là công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Thành phố tập trung triển khai nhiều chính sách, giải pháp như hệ thống phòng, chống mã độc tập trung theo tinh thần Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ, cài đặt phần mềm chống mã độc có bản quyền và kết nối, chia sẻ dữ liệu mã độc với Trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia; triển khai đầy đủ mô hình 4 lớp an toàn thông tin theo yêu cầu tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 7-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ; đầu tư các thiết bị an toàn thông tin chuyên dụng, triển khai các giải pháp giám sát, cảnh báo tấn công sớm và bộ phận trực giám sát 24/7 để kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn các sự cố tấn công; phê duyệt hồ sơ cấp độ an toàn thông tin cho hầu hết hệ thống thông tin quan trọng của thành phố.
Thành phố phát triển sản phẩm chuyên dụng tường lửa bằng nguồn lực và công nghệ trong nước do Trung tâm Vi mạch - đơn vị trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng phát triển; hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống Trung tâm công nghệ cao phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao... Với các kết quả đó, theo báo cáo của Cục An toàn thông tin, Đà Nẵng hai năm liên tiếp (2020-2021) xếp hạng A (dẫn đầu) về chỉ số xếp hạng an toàn thông tin.
Về các lĩnh vực số hóa khác, Đà Nẵng là địa phương có tốc độ internet nhanh nhất Việt Nam với 41,75 Mb/giây; 100% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức 4; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 55,5% (gấp 1,3 lần so với trung bình toàn quốc); kinh tế số năm 2021 của Đà Nẵng đã đóng góp 12,57% GRDP thành phố; thành phố đã hình thành các cơ sở dữ liệu (CSDL) nền như công dân, doanh nghiệp, hộ khẩu, đất đai, cán bộ công chức... và 560 CSDL chuyên ngành…
“Chìa khóa” xây dựng thành phố thông minh
Đà Nẵng được vinh danh 3 năm liên tiếp (2020, 2021, 2022) là thành phố thông minh xuất sắc nhất tại giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam” (Smart City Award Vietnam) do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức.
Bên cạnh đó, tại lễ trao giải thưởng năm 2022, Đà Nẵng đạt 3 giải thưởng chuyên đề ở các lĩnh vực: thành phố giao thông và logistics thông minh; thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các lĩnh vực ứng dụng thành phố thông minh đã và đang triển khai trên thực tế, đem lại hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam” được tổ chức thường niên bởi VINASA từ năm 2020 nhằm ghi nhận, tôn vinh các đô thị, tổ chức, doanh nghiệp có những đóng góp giúp các thành phố trở nên thông minh hơn, đáng sống hơn, có thương hiệu, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
Có thể thấy, Đà Nẵng chủ động triển khai xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh một thời gian trước khi tiếp cận khung chuyển đổi số. Đến nay, chuyển đổi số và thành phố thông minh là hai mục tiêu song song mà thành phố hướng đến.
Theo ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, các chủ trương, chính sách chuyển đổi số của thành phố đều nhấn mạnh chuyển đổi số là “chìa khoá”, phương tiện, công cụ, cách làm để đạt mục tiêu thành phố thông minh. Trong năm 2023, thành phố đặt một số mục tiêu trọng tâm chuyển đổi số như phát triển mạng di động 5G, hạ tầng IoT (internet vạn vật) phục vụ nền kinh tế số; đưa vào vận hành, khai thácTrung tâm Giám sát điều hành thành phố thông minh giai đoạn 1 và các trung tâm điều hành quận, huyện; khởi công Trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh; đưa vào vận hành, khai thác Khu Công viên phần mềm số 2; triển khai mở rộng giai đoạn 2 Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng, mở rộng giai đoạn 2 Khu FPT Complex; tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số; phát triển các nền tảng, sản phẩm “make in Da Nang”, thúc đẩy tạo ra thị trường theo hướng dịch vụ phần mềm…
Điểm nhấn quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của Đà Nẵng là trong tháng 10-2022, thành phố ký kết Bản ghi nhớ với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) về nghiên cứu và triển khai đầu tư các dự án thúc đẩy chuyển đổi số tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030.
Qua đó, mở ra nhiều cơ hội mới để tiếp tục thực hiện khát vọng xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống.
Có thể thấy, nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, không chỉ tạo thêm sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước mà còn mang lại những tiện ích lớn cho du khách và người dân.
MAI QUẾ