Trí tuệ nhân tạo và cuộc cách mạng trong lĩnh vực báo chí

.

Nhiều nhà bình luận tin rằng báo chí đang ở đỉnh cao của một cuộc cách mạng có thể chứng kiến cuộc chạy đua làm chủ các thuật toán và công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng sáng tạo nội dung.

Một số nhà phân tích cho rằng ChatGPT chỉ là một
Một số nhà phân tích cho rằng ChatGPT chỉ là một "công cụ xử lý văn bản". (Nguồn: AFP)

Năm ngoái, nhiều nhà báo trên thế giới đã rất hào hứng khi thử yêu cầu ChatGPT, nền tảng giao tiếp chatbot do công ty khởi nghiệp OpenAI của Mỹ phát triển, viết báo.

Hầu hết các nhà báo cho rằng ChatGPT chưa có khả năng thay họ đảm nhận công việc này. Tuy nhiên, nhiều nhà bình luận tin rằng báo chí đang ở đỉnh cao của một cuộc cách mạng có thể chứng kiến cuộc chạy đua làm chủ các thuật toán và công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng sáng tạo nội dung.

Trang tin tức công nghệ CNET của Mỹ đã tham gia rất sớm vào cuộc đua này khi sử dụng một công cụ AI để viết một số thể loại báo chí từ năm ngoái.

CNET từng nhiều lần phải đăng tin cải chính sau khi một trang tin tức khác phát hiện các lỗi sai trong các bài báo được viết bằng AI, trong đó có một số lỗi nghiêm trọng. Tuy nhiên, công ty chủ quản trang tin này vẫn tiếp tục ứng dụng AI để hỗ trợ các nhà báo tác nghiệp và cắt giảm số lượng biên tập viên, mặc dù các giám đốc điều hành bác thông tin cho rằng công nghệ AI là nguyên nhân dẫn đến quyết định này.

Nhà xuất bản Axel Springer của Đức, chủ sở hữu tờ báo Politico (Mỹ) và tờ Bild (Đức), cũng có hướng phát triển tương tự.

Tháng trước, Giám đốc nhà xuất bản, ông Mathias Doepfner, cho biết AI có tiềm năng hỗ trợ sự phát triển của báo chí, thậm chí có thể thay các nhà báo viết báo.

Ông cho rằng các chatbot như ChatGPT là một "cuộc cách mạng" đối với ngành báo chí, đồng thời khẳng định sẽ tái cấu trúc nhà xuất bản và cắt giảm đáng kể nhân sự trong lĩnh vực sản xuất và hiệu đính.

Hiện, 2 công ty trên đang thúc đẩy ứng dụng AI như một công cụ hỗ trợ các nhà báo.

Trong thập niên qua, ngày càng nhiều tổ chức truyền thông sử dụng tự động hóa trong công việc như tìm kiếm dữ liệu hoặc viết báo cáo về kết quả hoạt động của công ty.

Các trang tin tức điện tử chạy đua tối ưu hóa công cụ tìm kiếm nhằm tăng vị trí hiển thị lên top tìm kiếm của Google hoặc Facebook để đưa các bài báo của họ đến gần hơn với người đọc.

Một số trang tin điện tử đã phát triển các thuật toán của riêng họ để xác định những chủ đề được độc giả quan tâm nhất.

Ông Alex Connock, tác giả cuốn "Quản lý truyền thông và trí tuệ nhân tạo," cho rằng việc làm chủ được các công cụ AI hay không sẽ là yếu tố quyết định sự thành - bại của các công ty truyền thông trong những năm tới.

Ông cũng cho rằng các công cụ sáng tạo nội dung có thể sẽ khiến một số người bị mất việc làm, nhưng không phải trong những lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà phân tích đều đồng ý với quan điểm trên. Chuyên gia Mike Wooldridge tại Đại học Oxford (Anh) cho rằng ChatGPT chỉ là một "công cụ xử lý văn bản" và các nhà báo không nên lo lắng.

Ông nhận định công nghệ này sẽ không thể đảm nhiệm công việc của các nhà báo. Các nhà báo người Pháp Jean Rognetta và Maurice de Rambuteau cũng cho rằng các công cụ AI không đủ năng lực viết báo và chủ yếu tổng hợp thông tin từ trang bách khoa toàn thư trực tuyến Wikipedia.

Theo Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.