Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ

.

Quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ là một trong những hoạt động quan trọng, đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030 theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố cùng ngành khoa học và công nghệ cần tiếp tục triển khai đồng bộ những hoạt động, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò của quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT).

Thành phố cùng ngành khoa học và công nghệ triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.  Trong ảnh: Cán bộ Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký sở hữu trí tuệ. Ảnh: MINH ANH
Thành phố cùng ngành khoa học và công nghệ triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ. TRONG ẢNH: Cán bộ Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký sở hữu trí tuệ. Ảnh: MINH ANH

Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), trong năm 2022, thực hiện Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; Quyết định số 3836/QĐ-UBND ngày 29-11-2021 của UBND thành phố về việc ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 và Nghị quyết số 62/2021/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030, sở đã tham mưu và ban hành nhiều văn bản, kế hoạch triển khai thực hiện. Công tác thực thi quyền SHTT được các sở, ban, ngành thành phố quan tâm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhiều phong trào thi đua, lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học được thúc đẩy, tổ chức.

Năm 2022, Sở KH&CN triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, trong đó, 2 nhiệm vụ cấp thành phố là xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Chả cá Thanh Khê” cho sản phẩm chả cá của quận Thanh Khê; quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể đã được xác lập quyền cho bánh tráng Túy Loan, huyện Hòa Vang. Đối với nhiệm vụ cấp quốc gia là đăng ký bảo hộ, quản lý phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm Nam Ô của thành phố Đà Nẵng do Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ chủ trì.

Đối với việc triển khai Nghị quyết số 62/2021/NQ-HĐND, Sở KH&CN đã thực hiện hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ cho 13 doanh nghiệp, 7 chủ thể đơn, tác giả sáng chế với tổng số tiền 531 triệu đồng. Bên cạnh đó, hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho 2 thành phần kinh tế tập thể xây dựng nhãn hiệu tập thể, thông qua việc tổ chức triển khai thực hiện 2 nhiệm vụ cấp cơ sở là xây dựng nhận diện thương hiệu và xác lập quyền SHTT nhãn hiệu tập thể “Nấm rơm Hòa Thọ Tây” cho sản phẩm nấm rơm trên địa bàn phường Hòa Thọ Tây; nhãn hiệu tập thể “Mây tre An Khê” cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ mây, tre của Hợp tác xã Mây tre An Khê trên địa bàn quận Thanh Khê. Đồng thời tích cực hướng dẫn, cung cấp thông tin liên quan đến thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, biện pháp bảo vệ quyền và các thủ tục giải quyết tranh chấp khi phát sinh cho các tổ chức, cá nhân đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

Theo đánh giá của Sở KH&CN, việc xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược và chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2022 đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Để tạo thuận lợi phục vụ công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ thành phố Đà Nẵng, sở đã ban hành hướng dẫn quản lý, thực hiện nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 sử dụng ngân sách Nhà nước. Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực.

Các hoạt động SHTT được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp như: hỗ trợ phát triển, tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký SHTT cho các tổ chức, cá nhân; công tác tuyên tuyền pháp luật về SHTT được đẩy mạnh. Nhờ đó, ý thức tự bảo vệ và tôn trọng quyền SHTT trên địa bàn có sự chuyển biến rõ rệt. Công tác phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền SHTT ngày càng tăng cường. Hiệu quả của công tác thực thi quyền SHTT đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi cho những nhà sản xuất, kinh doanh chân chính và người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các nhà kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về SHTT, thời gian đến, Sở KH&CN tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức, chất lượng nguồn lực về SHTT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn; khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động tạo ra và xác lập tài sản trí tuệ. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, trong đó, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của các viện, trường, doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng và triển khai, khai thác, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm thuộc Chương trình OCOP gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ…

MINH ANH

;
;
.
.
.
.
.