Công nghệ
Ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa
Hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ (KHCN) góp phần xây dựng, phát triển văn hóa theo hướng toàn diện, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, gia tăng tính cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch; đồng thời, thực hiện các mục tiêu chung của chiến lược quốc gia về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 và các chiến lược, kế hoạch phát triển của ngành.
Ứng dụng khoa học, công nghệ, phần mềm trong hoạt động bảo tàng mang lại hiệu quả thiết thực, phát huy được các giá trị văn hóa, di sản đến công chúng. TRONG ẢNH: Giao diện “Bản đồ di sản số” của Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: V.H |
Ngành văn hóa thành phố đã và đang ứng dụng nhiều nền tảng công nghệ, phần mềm trong công tác quản lý, quảng bá và nâng cao chất lượng phục vụ đối với người dân và du khách. Theo đó, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng đã ứng dụng công nghệ chatbox để trả lời trực tiếp với người dân và du khách; ứng dụng các nền tảng mạng xã hội để thông tin hoạt động đơn vị; triển khai đăng ký thẻ bạn đọc và gia hạn sách online; cung cấp nguồn tài liệu, sách điện tử, sách địa chỉ số hóa trên hệ thống các cơ sở dữ liệu của thư viện đến với bạn đọc và du khách.
Ngoài ra, hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn đã dùng chung phần mềm liên thông, qua đó, người dân có thể mượn, trả sách bất kỳ thư viện tại các quận, huyện. Năm 2023, đơn vị sẽ ứng dụng máy trả sách tự động 24/7, tạo thuận tiện cho bạn đọc trong việc trả sách mà không thụ động về thời gian theo giờ hoạt động của thư viện. Theo bà Lê Thị Bích Phượng, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, ngày nay, thư viện không còn là nơi lưu trữ sách, báo mà là nơi người dân có thể chia sẻ, tiếp cận và được cung cấp thông tin.
Việc ứng dụng KHCN trong lĩnh vực văn hóa nói chung và lĩnh vực thư viện nói riêng đã tạo điều kiện cho bạn đọc, du khách tiếp cận nguồn tài liệu tại thư viện một cách nhanh chóng, góp phần đổi mới hoạt động và phục vụ cho việc chuyển đổi số ngành thư viện.
Trong khi đó, Bảo tàng Đà Nẵng là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng “Bản đồ di sản số” tại địa chỉ https://bandodisandanang.vn. Tại đây, gần 60 di tích trên địa bàn thành phố được số hóa thông tin, hình ảnh, địa chỉ, video… truyền tải trực quan đến công chúng. Chị Huỳnh Thị Diệu Minh (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết, “Bản đồ di sản số” là công cụ rất tiện lợi đối với những người yêu thích văn hóa và muốn tìm hiểu về những di sản tại Đà Nẵng. Việc tích hợp toàn bộ thông tin trong website giúp người dân dễ dàng tìm kiếm về di sản.
“Khi truy cập vào trang web này, tôi thấy rất bổ ích vì biết thêm nhiều di tích trên địa bàn thành phố. Chúng ta còn có thể tham quan trực tuyến một số di tích như Danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Đà Nẵng… mà không cần đến tận nơi”, chị Minh chia sẻ.
Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho hay, trong lĩnh vực quản lý di sản bảo tàng đã số hóa 2D, 3D các di sản trên địa bàn, tích hợp trong “Bản đồ di sản số”. Đây là giải pháp hữu hiệu quảng bá hình ảnh di sản đến công chúng, đồng thời là kho lưu trữ toàn bộ và thường xuyên cập nhập các thông tin liên quan đến từng di tích. Từ đó, nâng cao công tác quản lý di sản và giúp thành phố, ngành văn hóa thêm dữ liệu để thực hiện các giải pháp khi trùng tu di tích, di sản.
Bên cạnh đó, Bảo tàng Đà Nẵng còn xây dựng ngân hàng số lưu trữ toàn bộ các phim tài liệu về di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn; số hóa toàn bộ hiện vật được trưng bày tại bảo tàng qua mã QR để du khách thuận tiện tra cứu thông tin liên quan về hiện vật. “Ứng dụng KHCN, phần mềm để lưu trữ, quản lý di sản, di tích và các hoạt động bảo tàng mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát huy, lan tỏa rộng rãi các giá trị văn hóa, di sản đến với công chúng, hình thành nên một bảo tàng không có giới hạn và không biên giới”, ông Thiện nói.
Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng Nguyễn Thị Trinh, đơn vị luôn xác định việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động bảo tàng là rất cần thiết và chú trọng sử dụng nhiều phương thức truyền thông mới. Theo đó, bảo tàng đã xây dựng website, tiến hành số hóa quản lý hiện vật bằng phần mềm quản lý hiện vật tích hợp với website của đơn vị, thực hiện các video quảng bá, video 3D phục vụ tham quan và tổ chức triển lãm online; phối hợp làm phim thực tế ảo VR360 giới thiệu tổng quan điểm đến trực tuyến; chú trọng giới thiệu, quảng bá, kết nối với công chúng thông qua mạng xã hội Facebook, Google, Youtube, Twitter...
Bên cạnh đó, bảo tàng còn ký kết hợp tác với Công ty CP Giải pháp chuyển đổi số (VR360) - thành viên của Bizverse để được tư vấn, hỗ trợ và cung cấp, đưa vào ứng dụng công nghệ mới phục vụ chuyển đổi số, triển khai trong 3 giai đoạn. Hiện tại, giai đoạn 1 đã hoàn thiện. Trong giai đoạn 2, chi tiết từng vật phẩm của bảo tàng sẽ được số hóa bằng công nghệ scan 3D, số hóa NFT các vật phẩm, tiếp tục tích hợp công nghệ QR và MC ảo thuyết minh cho từng tác phẩm, đối tượng, tranh ảnh… Giai đoạn 3 sẽ thực hiện nâng cấp giao diện, cập nhật tính năng mới, tạo không gian triển lãm cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng trên Metaverse, người xem có thể tham quan từ xa, tương tác và xoay 360o các hiện vật...
“Hy vọng những cải tiến công nghệ trên sẽ nâng cao chất lượng phục vụ công chúng, tăng trải nghiệm cho khách tham quan trong và ngoài nước. Đồng thời, thực hiện chuyên nghiệp và hiệu quả hơn ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản mỹ thuật nói riêng và quảng bá rộng rãi hơn nữa hình ảnh của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng”, bà Trinh cho hay.
Kế hoạch phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được ban hành ngày 30-12-2022 nêu rõ, mục tiêu đến năm 2030, hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực, góp phần quan trọng trong việc phát triển toàn diện ngành văn hóa, thể thao và du lịch gắn với nhiệm vụ quản lý Nhà nước, tạo điều kiện phát huy sự sáng tạo, nâng cao năng suất lao động dựa vào hoạt động ứng dụng công nghệ; nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch… |
VĂN HOÀNG