Công nghệ

Chuyển đổi số để quản lý, sử dụng điện hiệu quả

13:44, 14/06/2023 (GMT+7)

Tại lễ biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam (I4.0 Awards) lần thứ 2, năm 2023 vào cuối tháng 5 vừa qua, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) đạt giải thưởng ở hạng mục “Top doanh nghiệp khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo” với hai phần mềm “Phân tích cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực từ dữ liệu đo xa” và “Ứng dụng hệ thống Scada nhằm tối ưu hóa công tác quản lý vận hành lưới điện trên nền bản đồ địa lý”. Đây là các giải pháp giúp công tác quản lý, sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

Phần mềm “Phân tích cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực từ dữ liệu đo xa” giúp ngành điện phát hiện nhanh chóng các sự cố chạm chập điện.  Trong ảnh: Nhân viên điện lực trao đổi với khách hàng sau khi xử lý sự cố chạm chập điện.  Ảnh: M.Q
Phần mềm “Phân tích cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực từ dữ liệu đo xa” giúp ngành điện phát hiện nhanh chóng các sự cố chạm chập điện. TRONG ẢNH: Nhân viên điện lực trao đổi với khách hàng sau khi xử lý sự cố chạm chập điện. Ảnh: M.Q

Trước khi sử dụng phần mềm “Phân tích cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực từ đo xa”, các trường hợp chạm chập điện chỉ được ngành điện phát hiện sau khi kết thúc kỳ ghi điện hàng tháng, sau đó phúc tra danh sách sản lượng tăng 30% với số lượng trung bình khoảng 60.000 khách hàng.

Như vậy, trung bình 30 ngày mới tiến hành phúc tra 18% tổng số khách hàng. Đây là khoảng thời gian quá dài, phạm vi tìm kiếm lớn, tốn nhiều nhân lực đi kiểm tra thực tế để phát hiện chạm chập, gây ảnh hưởng đến người dân sử dụng điện, lãng phí điện năng, đặc biệt là nguy cơ mất an toàn điện.

Vì bất cập trên, ông Huỳnh Thảo Nguyên, Phó trưởng phòng Kinh doanh (PC Đà Nẵng) có sáng kiến trên cơ sở kết hợp lý thuyết thống kê tương quan và hồi quy tuyến tính, giúp phát hiện nhanh chạm chập từ 30 ngày xuống còn 2-3 ngày, đồng thời rút ngắn phạm vi tìm kiếm từ 18% xuống chỉ còn 0,44% tổng số khách hàng sử dụng điện.

Qua các vụ chạm chập điện, chương trình đưa ra các “triệu chứng” để chẩn đoán một trường hợp tăng đột biến, nghi ngờ là chạm chập điện cần kiểm tra thực tế như: điện tiêu thụ trung bình ngày bất thường từ 8 kWh/ngày; số ngày đột biến trong vòng 30 ngày trước đó bằng 0...

Sau gần 3 năm PC Đà Nẵng đưa vào vận hành và Tổng Công ty Điện lực miền Trung sử dụng mở rộng, tích hợp thống nhất vào chương trình Hệ thống thông tin quản lý khách hàng CMIS, phần mềm “Phân tích cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực từ đo xa” giúp phát hiện gần 2000 vụ chạm chập tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cao điểm nhất là 1.114 vụ chạm chập được phát hiện từ tháng 4-2021 đến 12-2021.

Là hộ dân sử dụng điện được hỗ trợ phát hiện sớm chạm chập điện, anh Hồ Thế Khoa, chủ tiệm cắt tóc trên đường Hoàng Thị Loan (quận Thanh Khê) chia sẻ: “Lần trước tôi cho hàng xóm cắm nhờ nguồn điện để cắt gỗ và bị sập aptomat, nghe tiếng xẹt nhỏ thôi và khi đóng lại aptomat thì vẫn dùng điện được bình thường nên không nghĩ đến chạm chập.

Khi thợ điện nghi vấn, xuống kiểm tra thực tế thì tôi mới biết, nhờ phát hiện trong ngày nên sản lượng tăng không quá nhiều. Trước đây chưa bao giờ nghe thông tin chạm chập nên tôi cũng khá chủ quan, giờ phải cẩn trọng hơn khi dùng điện. Tiền điện tháng đó phát sinh gần 1 triệu đồng, gấp đôi bình thường nhưng cũng may là phát hiện sớm. Tiền điện tăng cao không nói mà sợ nhất là nguy hiểm đến những người xung quanh”.

Đối với phần mềm “Ứng dụng hệ thống SCADA nhằm tối ưu hóa công tác quản lý vận hành lưới điện trên nền bản đồ địa lý”, giải pháp cho phép xác định khu vực mất điện ngay trên màn hình SCADA (hệ thống điều khiển, giám sát và thu thập dữ liệu) khi có sự cố; đồng thời xác định vị trí của tổ trực thao tác lưu động thông qua hệ thống định vị GPS để có phương án điều động nhân lực phù hợp nhất.

Việc quản lý lưới điện trên nền bản đồ địa lý giúp ngành điện trực quan hơn khi vận hành, rút ngắn thời gian tìm kiếm và xử lý thông tin, giúp ra quyết định điều khiển nhanh chóng và chuẩn xác. Giải pháp cũng hỗ trợ những nhân viên không chuyên trách về lưới điện có tổng quan về lưới điện trên nền bản đồ địa lý, dễ dàng nắm bắt lưới điện khi có nhu cầu thông tin.

“Việc sử dụng bản đồ giúp nhân viên hình dung được đường dây đi qua các tuyến phố, khu vực nào, vị trí sơ bộ của các thiết bị, các điểm giao chéo, điểm hòa lưới, từ đó dễ dàng và thuận tiện hơn trong quá trình đi nắm sơ đồ lưới giúp rút ngắn thời gian đào tạo cho nhân viên mới. Với việc áp dụng giải pháp, đội ngũ kỹ sư đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức, đáp ứng nhanh chóng yêu cầu trong công tác khảo sát, lập phương án di dời lưới điện phục vụ thi công dự án cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý”, ông Lê Hồng Cương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cho biết.

Thời gian qua, PC Đà Nẵng đạt một số kết quả tích cực trong chuyển đổi số như tỷ lệ 100% điện tử hóa toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ điện; đạt 100% hồ sơ, sổ sách, lý lịch, thông số vận hành, chỉ số điều kiện sức khỏe - CHI (Condition Health Index) thiết bị lưới điện được quản lý trên chương trình PMIS. Để tiếp tục chuyển đổi số hiệu quả, công ty tiếp tục phát triển hệ thống thông tin địa lý GIS, hoàn thiện bản đồ lưới điện số, đẩy mạnh khai thác cơ sở dữ liệu lưới điện không gian... phục vụ công tác quản lý vận hành lưới điện. Để khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu này, công ty tập trung nghiên cứu các công nghệ lõi, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data)...

MAI QUẾ

.