Công nghệ
Không có nhà mạng nộp hồ sơ và tiền tham gia đấu giá tần số 4G, 5G
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), cho dù hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá băng tần 4G, 5G, nhưng không có nhà mạng nào nộp hồ sơ và nộp tiền đặt trước đăng ký tham gia đấu giá.
Chuyên gia kỹ thuật đo kiểm tốc độ thử nghiệm mạng 5G. |
Trong các ngày 15-5, 25-5 và 2-6-2023, Bộ TTTT đã tổ chức đấu giá băng tần 2300MHz, gồm 3 khối băng tần A1(2300-2330 MHz), A2 (2330-2360 MHz), A3 (2360-2390 MHz). Tuy nhiên, đến hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá của từng khối A1, A2, A3, không có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ và nộp tiền đặt trước đăng ký tham gia đấu giá. Vì vậy, các cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số đối với các khối băng tần A1, A2, A3 là đấu giá không thành.
Trước đó, ngày 24-2-2023, Bộ TTTT ban hành và thông báo công khai về phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số đối với băng tần 2300MHz. Sau đó, đã có 4 doanh nghiệp viễn thông nộp hồ sơ về điều kiện đấu giá là VNPT, Viettel, MobiFone và Vietnamobile. Các đơn vị viễn thông này sau khi thẩm định đã được Bộ TTTT cấp giấy xác nhận đủ điều kiện tham gia đấu giá. Theo quy định của Nghị định 88/2021/NĐ-CP, chỉ có doanh nghiệp được Bộ TTTT xác nhận đủ điều kiện tham gia đấu giá mới được nộp hồ sơ tham gia vòng đấu giá.
Theo công bố, giá khởi điểm đấu giá tần số 2300-2400 MHz cho 3 khối băng tần là 17.394 tỷ đồng. Cụ thể đối với khối băng tần A1 (2300 – 2330 Mhz), A2 (2330 – 2360 Mhz), A3 (2360 – 2390 Mhz) đều có giá khởi điểm 5.798 tỷ đồng và thời hạn sử dụng là 15 năm.
Thống kê của Bộ TTTT, hiện Việt Nam có 125 triệu thuê bao di động và thị trường bắt đầu đến ngưỡng bão hòa. Do đó, việc đặt cọc số tiền lớn được nhiều nhà mạng cân nhắc.
Theo Báo Tin tức