Công nghệ

Khó khăn do không có chức danh công chức phụ trách công nghệ thông tin

06:33, 17/06/2023 (GMT+7)

Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong chuyển đổi số của cả nước. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được triển khai trên mọi lĩnh vực, nhất là trong công tác điều hành, quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền. Tuy nhiên, một bất cập hiện nay ở các phường, xã là không được phân bổ nguồn hỗ trợ cho cán bộ phụ trách CNTT.

Hiện nay, vị trí chức danh công nghệ thông tin ở phường không được phân bổ, mà do chuyên viên văn phòng kiêm nhiệm. Trong ảnh: Cán bộ phường Thanh Khê Tây kiểm tra hộp kỹ thuật đường truyền mạng của phường. Ảnh: T.H
Hiện nay, vị trí chức danh công nghệ thông tin ở phường không được phân bổ, mà do chuyên viên văn phòng kiêm nhiệm. TRONG ẢNH: Cán bộ phường Thanh Khê Tây kiểm tra hộp kỹ thuật đường truyền mạng của phường. Ảnh: T.H

Thực trạng này gây khó khăn cho nhiều địa phương, tác động đáng kể đến hiệu quả trong quản lý, điều hành, nhất là công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số.

Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) Lê Thị Tuyết Mai cho biết, hầu hết cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở phường hiện đều không có trình độ chuyên sâu về CNTT. Vị trí việc làm CNTT do công chức văn phòng kiêm luôn. Dù khối lượng công việc liên quan đến CNTT rất nhiều, hầu như mọi hoạt động đều phải dùng ứng dụng CNTT. Bởi thế, có nhiều thời điểm máy móc bị hư hỏng vượt khả năng xử lý của công chức văn phòng, phường buộc phải thuê thợ bên ngoài để sửa. Việc này gây trì trệ, không kịp thời trong xử lý, điều hành công việc.

Cùng với đó, hiện nay định mức mua sắm đối với máy vi tính đều hạn định giá không quá 15 triệu đồng/máy nên rất khó đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc cường độ cao, khối lượng lớn. “Thực tế sử dụng, để đáp ứng nhu cầu phải cần máy có giá trị chí ít từ 30 triệu đồng mới bảo đảm cấu hình mạnh phục vụ cho công việc. Với trần giá mua sắm máy vi tính như hiện nay, sẽ rất khó cho triển khai nhiệm vụ nhanh chóng được”, bà Mai chia sẻ.

Cùng quan điểm này, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) Lê Thị Nhật Diệu cho biết, phường đăng ký với quận về mua sắm tài sản công rồi chờ đấu thầu tập trung. Nếu trong lúc đó, máy móc hư hỏng thì phải nhờ thợ ngoài sửa, rất tốn kém, ảnh hưởng chung đến công tác điều hành của cả hệ thống phường. “Rất khó để mua được máy vi tính. Phường chỉ chủ động đăng ký từ đầu năm. Sau đó thì chờ. Kinh phí thuê thợ sửa nhiều khi bằng tiền hỗ trợ cho chức danh CNTT, chưa kể nếu có chức danh này phường sẽ rất chủ động”, bà Diệu chia sẻ.

Theo bà Diệu, hiện nay với việc thiếu nguồn nhân lực CNTT ở phường, gây rất nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là trong ứng dụng CNTT để triển khai công tác cải cách hành chính, các đề án về chuyển đổi số, mới nhất là triển khai các nhiệm vụ liên quan Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

“Nhiều nhiệm vụ từ trên yêu cầu triển khai về phường, chúng tôi phải mày mò tìm hiểu, phải điện lên cán bộ chuyên môn của Sở Thông tin và Truyền thông hỏi, nhằm nắm rõ nhiệm vụ cụ thể để tham mưu, triển khai cho đúng, hiệu quả. Do anh em đều là dân tay ngang, không ai rành về CNTT, nên rất khó trong công tác tham mưu cho lãnh đạo phường triển khai thực hiện các nhiệm vụ của đề án”, bà Diệu nói.

Cả bà Diệu và bà Mai đều cho rằng, hiện nay tại các cuộc họp, hội nghị đều sử dụng các phần mềm để minh họa, chiếu các slide để tăng sức thu hút nhằm đạt hiệu quả tuyên truyền cao hơn. Để làm được có chiều sâu, điểm nhấn đáng kể, nếu có chuyên viên CNTT thì dễ, nhưng với công chức hiện nay ở phường buộc phải “cày” mấy ngày, đêm mới hoàn thiện theo yêu cầu. Chưa kể, hạ tầng mạng đã được đầu tư cả chục năm nay chưa được nâng cấp, cải tiến.

Trong khi, cùng hạ tầng đó, trong từng ấy năm phải cõng thêm gần cả trăm phần mềm triển khai khác, phần mềm nào cũng có dung lượng lớn, nên việc quá tải, “quay vòng tròn” là điều dễ hiểu. “Phải có chính sách thu hút nhân lực CNTT cụ thể. Bên cạnh đó, thành phố phải có đề án nâng cấp, cải tiến hệ thống hạ tầng mạng đã cũ kỹ, quá tải như hiện nay”, bà Diệu nói.

Mới đây, tại buổi làm việc với Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết, phường Thanh Khê Tây đã đề xuất thành phố có chính sách thu hút nhân lực CNTT trong cơ quan hành chính Nhà nước, đặc biệt biên chế cán bộ chuyên trách về CNTT tại cấp xã/phường. Trước mắt là thành phố quan tâm xem xét, phân bổ nguồn hỗ trợ cho cán bộ phụ trách CNTT, tiếp tục hỗ trợ phụ cấp cho chức danh này.

Trưởng phòng Nội vụ quận Liên Chiểu Mai Thanh Quang nhìn nhận, các cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho hoạt động công vụ tại các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là tại UBND các phường chưa thật sự đáp ứng với việc triển khai các hoạt động công vụ trong quá trình chuyển đổi số, hiện đại hóa nền hành chính.

Phát biểu tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Đề án Cải cách hành chính trong các cơ quan Đảng thành phố giai đoạn 2020-2025, công tác văn thư, lưu trữ, ứng dụng CNTT trong các cơ quan Đảng diễn ra vào ngày 25-5, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị cần rà soát, kịp thời mua sắm, bổ sung trang thiết bị tin học, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu công việc.

Đặc biệt, rà soát, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ trực tiếp phụ trách CNTT, văn thư lưu trữ. Đây là nhân tố quan trọng, mang tính quyết định. Nếu không có nhân tố con người, hoặc con người không phù hợp không thể làm được việc này.

TRỌNG HUY

.