Công nghệ

Chuyển đổi Số Báo chí - Bài học và kinh nghiệm rút ra

07:00, 10/08/2023 (GMT+7)

Theo ông Lê Quốc Minh, chuyển đổi số phải bắt đầu từ chuyển đổi tư duy, đặc biệt là tư duy người lãnh đạo cơ quan báo chí, sau đó mới bắt đầu chuyển đổi công nghệ.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Đỗ Huyền/TTXVN)
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Đỗ Huyền/TTXVN)

Chiều 9-8, tại Hưng Yên đã diễn ra hội thảo "Chuyển đổi Số Báo chí - Bài học và Kinh nghiệm," với sự tham dự của đông đảo các nhà báo đến từ các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ.

Tại hội thảo, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên Nguyễn Công Đán cho biết Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi Số Báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030,” với mục tiêu để các cơ quan báo chí làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng.

Chiến lược Chuyển đổi Số Báo chí cũng đề ra mục tiêu đến năm 2030, tất cả các cơ quan báo chí vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, 50% cơ quan báo chí tăng nguồn thu tối thiểu 20%.

Do vậy, các cơ quan báo chí, nhất là cơ quan báo chí địa phương cần phải thay đổi, để bắt kịp với xu thế công nghệ, làm báo hiện đại.

Tại hội thảo, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan đến việc nâng cao chất lượng hoạt động công tác hội; gắn với tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần xây dựng tổ chức Hội Nhà báo vững mạnh.

Các đại biểu cũng bàn luận về thực trạng và giải pháp trong chuyển đổi số ở các báo, đài địa phương; những vấn đề đặt ra về quản lý đạo đức nghề nghiệp nhà báo.

Ông Nguyễn Bảo Lâm, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên, khẳng định chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí là xu thế tất yếu, việc sử dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý, nghiệp vụ, tác nghiệp, sản xuất tin bài... nhằm tối ưu mô hình hoạt động của Hội Nhà báo. Từ đó tạo ra những hiệu quả và các giá trị mới trong công việc.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy quá trình thực hiện chuyển đổi số của Hội Nhà báo tỉnh còn thiếu nguồn ngân sách trong việc đầu tư mua sắm trang thiết bị công nghệ phục vụ cho công việc.

Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác Hội phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên hiệu quả công việc chưa cao, hệ thống công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn tới khó khăn trong việc khai thác các cơ sở dữ liệu.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng Nguyễn Anh Tú, thực hiện chuyển đổi số các cơ quan báo chí truyền thông là sự thay đổi tổng thể và toàn diện của cơ quan báo chí truyền thông, của nhà báo về cách sống, phương thức làm việc, mô hình tổ chức tòa soạn và mô hình tổ chức sản xuất các sản phẩm báo chí truyền thông.

Do vậy, vấn đề đạo đức nghề nghiệp, đạo đức trong hoạt động báo chí truyền thông đang trở thành vấn đề then chốt, quyết định sự phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam, đặc biệt là việc sử dụng kỹ thuật, công nghệ, trong đó có việc sử dụng, phát triển hệ thống hỗ trợ, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động báo chí truyền thông.

“Việc sử dụng các phần mềm thông minh nhân tạo trong báo chí truyền thông đặt ra cho các nhà báo, các cơ quan quản lý báo chí những cơ hội, thách thức, đặc biệt là vấn đề về đạo đức báo chí. Đó là trách nhiệm, sự chuẩn mực, tính chính xác và sự thật, việc giữ gìn thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa trong bối cảnh công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ, nhất là việc sử dụng trí tuệ thông minh nhân tạo trong sáng tạo các tác phẩm báo chí truyền thông. Đối với nhà báo cần giữ vững tính trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật trong các hoạt động báo chí truyền thông, không thông tin sai sự thật, phóng đại, giải thích sai sự thật, làm tốt việc dẫn dắt công chúng,” ông Nguyễn Anh Tú khẳng định.

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Đỗ Huyền/TTXVN)
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Đỗ Huyền/TTXVN)

Tại hội nghị, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định chuyển đổi số là con đường đi của cả nước và báo chí không nằm ngoài xu thế này.

Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi về công nghệ, thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả, không còn con đường nào khác là số hóa, chuyển đổi số.

Theo ông Lê Quốc Minh, chuyển đổi số là con đường tất yếu của tất cả các cơ quan báo chí nếu không muốn bị đào thải. Vì vậy, chuyển đổi số phải bắt đầu từ chuyển đổi tư duy, đặc biệt là tư duy người lãnh đạo cơ quan báo chí, sau đó mới bắt đầu chuyển đổi công nghệ.

Tuy nhiên, mỗi cơ quan báo chí có cách chuyển đổi số khác nhau, công nghệ đầu tư, áp dụng phải phù hợp với tòa soạn, không nên chạy theo xu hướng thế giới. Điều quan trọng là tất cả cùng phải làm, vừa làm vừa điều chỉnh để có thể thực hiện chuyển đổi số hiệu quả.

“Báo chí không nên chạy đua thông tin với mạng xã hội, bởi báo chí có thế mạnh là khả năng kiểm chứng, kiểm định thông tin đa chiều, khả năng tạo ra những nội dung mang tính chuyên nghiệp. Chính lợi thế này sẽ giữ chân được độc giả, khán thính giả,” ông Lê Quốc Minh lưu ý.

Theo Vietnam+

.