Công nghệ
Tìm giải pháp phát triển nhân lực số - Bài 2: Những khó khăn gặp phải
Thiếu nhân lực số ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi số của các đơn vị, địa phương. Thực tế, nhiều cán bộ, viên chức phải kiêm nhiệm lĩnh vực chuyển đổi số song song với công việc chuyên trách, làm chậm tiến độ chuyển đổi số và công tác vận hành, quản lý chưa như kỳ vọng.
Nhân viên tại Văn phòng UBND quận, huyện, phường, xã phải kiêm nhiệm nhiều công việc bên cạnh lĩnh vực chuyển đổi số. TRONG ẢNH: Hoạt động tại bộ phận “Một cửa” của UBND quận Cẩm Lệ. Ảnh: M.Q |
Kiêm nhiệm nhiều công việc
Vài năm gần đây, ông Mai Đăng Độ, nhân viên Văn phòng UBND phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), được lãnh đạo phường giao phụ trách thêm các nội dung liên quan về lĩnh vực chuyển đổi số của phường, ngoài công việc thống kê. Do phụ trách nhiều công việc nên ông Độ không có thời gian để tìm hiểu những kiến thức chuyên sâu và liên tục về chuyển đổi số.
“Tại UBND các phường, xã phân công cán bộ kiêm nhiệm thêm công tác công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số nên cần có chỉ tiêu chuyển đổi số hợp lý, thay vì đưa ra các chỉ tiêu quá cao lên nguồn nhân lực cơ sở. Bên cạnh đó, việc thiếu nhân sự trẻ khiến việc chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn. Nhiều lần tôi đề nghị lãnh đạo xem xét, chọn lọc nhân lực trẻ, trình độ cao đảm nhiệm vai trò chuyển đổi số nhưng lại không được đáp ứng nguyện vọng vì không biết phải tìm kiếm nguồn nào, và ở đâu?”, ông Độ chia sẻ.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Mười, nhân viên Văn phòng UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), cũng kiêm nhiệm các nội dung liên quan lĩnh vực chuyển đổi số bên cạnh công việc thống kê trước đó. Chị Mười cho biết, chị phụ trách theo kiểu “tay ngang” chứ không được đào tạo về CNTT, nguyện vọng của chị là phường có cán bộ chuyên trách về công nghệ, am hiểu các phần mềm ứng dụng, sử dụng thành thạo các ứng dụng số hiện có để phụ trách chuyển đổi số tốt hơn.
Qua ghi nhận, hầu hết các phường, xã đều chung hoàn cảnh trên. Còn tại các sở, ban, ngành, quận, huyện phần lớn chỉ bố trí một chuyên viên chuyên trách CNTT, tuy nhiên chuyên viên đó phải kiêm nhiệm thêm các nhiệm vụ khác.
Ông Nguyễn Văn Quyên, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin UBND huyện Hòa Vang, cho hay, trước đây lĩnh vực CNTT do Văn phòng HĐND và UBND huyện phụ trách. Từ khi thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số khoảng đầu năm 2021 tới nay thì Phòng Văn hóa - Thông tin làm cơ quan tham mưu chính, có một chuyên viên phụ trách và một phó trưởng phòng quản lý lĩnh vực.
Thế nhưng, chuyên viên này cũng có những công việc khác nên phòng đề xuất mỗi phòng, ban khác cử một chuyên viên kiêm nhiệm thêm việc tham mưu nội dung chuyển đổi số của phòng, ban đó. Mặc dù Phòng Văn hóa - Thông tin là cơ quan thường trực về chuyển đổi số của huyện, nhưng không có cán bộ chuyên môn về CNTT. Nhìn chung, nguồn nhân lực chuyên trách về CNTT của quận, huyện hay phường, xã chủ yếu là kiêm nhiệm nên công tác tham mưu, đề xuất chưa kịp thời và hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết sở đang bố trí một công chức tốt nghiệp đại học ngành CNTT để thực hiện công việc chuyên trách, tham mưu trong công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số. Theo đó, phần lớn công chức của sở có kỹ năng cơ bản để giải quyết các thủ tục hành chính bằng CNTT.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực phục vụ công tác chuyển đổi số của sở hiện chưa đủ, nên có lúc làm ảnh hưởng đến việc tham mưu triển khai, vận hành các hệ thống ứng dụng thông minh của ngành. Tương tự, ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cho hay sở chỉ có một chuyên viên chuyên trách CNTT triển khai ứng dụng CNTT, không có nhân sự triển khai hoạt động chuyển đổi số của ngành (triển khai các dự án, phần mềm cũng như hướng dẫn các cơ sở giáo dục); việc triển khai các ứng dụng tại các trường học cũng thiếu nhân lực chuyên trách CNTT nên cũng gặp nhiều khó khăn.
Ảnh hưởng tiến độ chuyển đổi số
Ông Nguyễn Phúc Bảo Nam, Chủ tịch UBND phường Nam Dương, cho biết phường đang thiếu nhân lực trẻ tại các tổ công nghệ số cộng đồng, người lớn tuổi chỉ làm được công tác vận động nhưng không hỗ trợ được trên các nền tảng công nghệ số, đó cũng là lý do chính hạn chế chuyển đổi số dưới khu dân cư. Điều này xuất phát từ cơ chế, chính sách chưa có sự thống nhất hướng dẫn của các cấp nên công tác triển khai ở khu dân cư chủ yếu là vận động. Tại địa phương, cán bộ phụ trách cũng kiêm nhiệm nhưng chưa có phụ cấp kiêm nhiệm nên gây khó khăn cho công tác triển khai.
“Để công tác chuyển đổi số có hiệu quả, trọng tâm hơn, về nguồn nhân lực nên bố trí một người chuyên trách phụ trách lĩnh vực này và có chế độ đãi ngộ tương xứng, vì đây là lĩnh vực phức tạp đòi hỏi chuyên môn chất lượng cao. Đồng thời, cần nâng cấp trang thiết bị hạ tầng, kỹ thuật và quan tâm nhiều hơn tới chế độ hỗ trợ cho các tổ công nghệ số cộng đồng để thu hút nguồn lực, tinh thần cho người đảm nhiệm vị trí, nhiệm vụ chuyển đổi số. Thành phố cần sớm có lộ trình tiến đến quy định các thủ tục hành chính xử lý tiếp nhận trên môi trường mạng, tạo thói quen cho người dân sử dụng”, ông Nam đề xuất.
Ông Trần Nguyễn Minh Thành cho biết thêm, ngành GD&ĐT gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai chuyển đổi số, nhất là nhân sự để quản lý, triển khai và vận hành các hệ thống phần mềm, chương trình, dự án; chưa có nhân sự chuyên trách để tham mưu, triển khai nội dung chuyển đổi số; chưa bảo đảm bộ phận vận hành hệ thống sau khi được xây dựng.
Hiện nay, số lượng biên chế giảm, yêu cầu tăng cường ứng dụng CNTT ngày càng cao đòi hỏi cần có nhân lực đáp ứng yêu cầu triển khai. Để giải quyết nội dung này, đối với Sở GD&ĐT cần tăng cường chuyên viên phụ trách triển khai các nội dung chuyển đổi số của ngành (đến các đơn vị trường học) và cần có Trung tâm CNTT của Sở GD&ĐT để vận hành, triển khai các hệ thống phần mềm hoặc phải thuê dịch vụ vận hành. Đối với trường học, cần có ít nhất một người chuyên trách CNTT hoặc phụ trách nội dung chuyển đổi số. Sở cũng mong thành phố có quy định cụ thể về nhân sự phục vụ chuyển đổi số đối với các sở, ban, ngành.
Không chỉ ngành giáo dục, lĩnh vực giao thông cũng đang đối mặt nhiều khó khăn từ vấn đề thiếu nguồn nhân lực. Chánh văn phòng Sở Giao thông vận tải Nguyễn Hữu Cường cho hay, ngành giao thông vận tải gặp nhiều thách thức vì chuyển đổi số không phải là lĩnh vực chuyên ngành. Trong khi tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, quy mô đô thị ngày càng rộng, cùng với đó là sự phát triển vượt bậc của các nền tảng công nghệ số thông minh như AI, Big Data, tốc độ đầu tư phần mềm, ứng dụng không theo kịp sự phát triển của công nghệ; sự hạn chế về mặt nhân lực, con người về CNTT, chuyển đổi số trong giai đoạn tinh giảm biên chế.
Hiện nay, nhân lực CNTT, chuyển đổi số thực sự là một bài toán không chỉ của ngành giao thông vận tải mà ở tất cả các ngành, lĩnh vực khác, sự chênh lệch về mức lương dẫn đến việc thiếu hụt nhân lực về CNTT trong nhiều cơ quan, đơn vị. Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải cùng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn góp phần nâng cao năng lực CNTT cho đội ngũ công chức, người lao động của ngành. Thế nhưng đây chỉ là bài toán tạm thời, trước mắt, thành phố cũng cần xây dựng các cơ chế, chính sách để thu hút nguồn nhân lực CNTT, chuyển đổi số thực sự đáp ứng yêu cầu quản lý trong thời gian đến.
MAI QUẾ - CHIẾN THẮNG