Công nghệ chuỗi khối (blockchain) được xem là “chìa khóa” cho chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin. Hiện Đà Nẵng đã bắt đầu tiếp cận nền tảng và thí điểm các ứng dụng công nghệ blockchain để đưa vào trong quản lý tài sản số, phát triển kinh tế số, qua đó khai phá thêm những tiềm năng to lớn của blockchain.
Kinh tế số đang phát triển mạnh và có nhiều tiềm năng. TRONG ẢNH: Nhân lực công nghệ thông tin làm việc tại FPT Đà Nẵng. Ảnh: T.L |
Theo TS. Mai Văn Bảy, giảng viên Đại học Đà Nẵng, công nghệ chuỗi khối blockchain với những đặc trưng về tính an toàn, bảo mật và thuận tiện trong kết nối trên môi trường số đang ngày càng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực chuyển đổi số và một trong những đặc tính quan trọng của blockchain là minh bạch, rõ ràng.
Vài năm trở lại đây, công nghệ blockchain phát triển rất nhanh đã xây dựng ra được những nền tảng mới cho phép mọi người mua bán, trao đổi hàng hóa. Vì vậy, việc thúc đẩy ứng dụng của công nghệ blockchain trong quản lý tài sản số sẽ giúp tăng tính minh bạch, giảm thiểu rủi ro, từ đó tạo ra sự tin cậy cho việc giao dịch và quản lý tài sản.
Tại hội thảo “Giới thiệu nền tảng và các ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý tài sản số, phát triển kinh tế số” do Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Tin học Việt Nam vừa tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 7 vừa qua đã giới thiệu về nền tảng blockchain và các ứng dụng thực tế, ứng dụng giải pháp kết nối thế giới thực - ảo trong việc tăng giá trị cho các sản phẩm địa phương, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của thành phố… cũng như kế hoạch hướng đến mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế, phát triển kinh tế số bền vững. Để thực hiện kế hoạch trên, Đà Nẵng đang triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động thí điểm nền tảng DaNangChain với sự hỗ trợ về mặt công nghệ từ KardiaChain.
Theo ông Huy Nguyễn, Giám đốc Công ty CP Kardia Labs, Đà Nẵng cần xây dựng và triển khai nền tảng chuỗi khối DaNang Chain; đây còn là cơ sở đưa Đà Nẵng tiến lên trở thành thành phố thông minh và cũng là nền tảng tiên quyết hình thành nên trung tâm tài chính số toàn diện…
Việc Đà Nẵng đầu tư nền tảng DanangChain sẽ phục vụ cho phát triển thành phố thông minh, tài chính số và nền tảng cho chính phủ điện tử của thành phố. Đây là yếu tố tiên quyết đầu tiên cần phải thực hiện. Bên cạnh đó, khi Đà Nẵng sở hữu nền tảng riêng cho mình sẽ giảm chi phí vận hành xuống rất thấp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng được nền tảng mà không phải đi tới những cái “chain” khác trên toàn quốc tế.
Được biết, DanangChain dự kiến hoàn thiện trong quý 3-2023 và khởi động để tất cả các đơn vị, doanh nghiệp có thể tham gia. Dự kiến đến quý 4-2024, Đà Nẵng sẽ ra mắt nền tảng DanangChain, đây cũng sẽ là hạ tầng blockchain công khai quy mô ở thành phố đầu tiên không chỉ Việt Nam mà còn ở Đông Nam Á.
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định một trong năm lĩnh vực mũi nhọn ưu tiên phát triển của thành phố là công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số. Mục tiêu đến năm 2030 “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN”.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép thành phố Đà Nẵng nghiên cứu xây dựng đề án Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực. Theo đó, thành phố đã triển khai nghiên cứu, xây dựng đề án với nhiều chính sách ưu đãi, đặc thù cho nhà đầu tư, tổ chức kinh tế; cơ chế đặc thù phát triển công nghệ tài chính...
Đảng bộ thành phố đã có Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 và đề án Chuyển đổi số, qua đó đặt ra nhiệm vụ trọng tâm phát triển các nền tảng phục vụ cho chuyển đổi số, ưu tiên nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi có thể đi tắt đón đầu và có khả năng bứt phá mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain… để tạo ra các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ mới có giá trị cao…
Hiện nay Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Hội Tin học Việt Nam và các chuyên gia triển khai xây dựng nền tảng DaNangChain trong quản lý tài sản số, gia tăng giá trị cho các sản phẩm của thành phố. Nền tảng này trước tiên sẽ ứng dụng cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP để giúp giá trị sản phẩm của người dân thành phố được nâng lên và tiếp cận toàn cầu. Bên cạnh đó là phục vụ cho chính quyền điện tử thông minh như quản lý văn bản số, bảo tàng số, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, quản lý đất đai…
THÀNH LÂN
Blockchain là công nghệ cơ sở dữ liệu sáng tạo, trung tâm của gần như tất cả các loại tiền điện tử. Công nghệ blockchain được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau từ cung cấp dịch vụ tài chính đến quản trị hệ thống bỏ phiếu. Các ứng dụng phổ biến nhất của blockchain: tiền điện tử, ngân hàng, chuyển giao tài sản, hợp đồng thông minh, giám sát chuỗi cung ứng…
|