Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân với tình huống xảy ra cháy tại phòng hotlab

.

ĐNO - Ngày 22-9, tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân thành phố tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân năm 2023 với tình huống xảy ra cháy tại cơ sở sản xuất đồng vị phóng xạ và Khoa Y học hạt nhân của bệnh viện này.

Các lực lượng tham gia diễn tập tiến hành diễn tập sự cố cháy. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các lực lượng tham gia diễn tập sự cố cháy. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Các lực lượng tham gia diễn tập là thành viên Ban Chỉ đạo ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cấp thành phố gồm: Sở Khoa học và Công nghệ, Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Sở Y tế...

Theo kịch bản, sự cố xảy ra cháy không rõ nguyên nhân tại cơ sở sản xuất đồng vị phóng xạ và Khoa Y học hạt nhân, cụ thể là tại phòng hotlab của Khoa Y học hạt nhân của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Hoạt động diễn tập ứng phó tại mô hình mô phỏng hotlab tại Khoa Y học hạt nhân của bệnh viện, gồm: chữa cháy, thu hồi nguồn phóng xạ, tẩy xạ, kiểm tra y tế cho nạn nhân và các thành viên tham gia ứng phó...

Lực lượng diễn tập đo bức xạ. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Lực lượng diễn tập đo bức xạ. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phát biểu tại buổi diễn tập, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lê Đức Viên cho biết, nhằm chủ động ứng phó với các sự cố bức xạ, hạt nhân có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 6819/KH-UBND ngày 27-8-2015 về việc ứng phó với sự cố bức xạ, hạt nhân cấp thành phố kèm theo 5 kịch bản ứng phó sự cố.

Tuy nhiên, qua các năm diễn tập và thực tiến cho thấy vẫn còn tiềm ẩn một số nguy cơ xảy ra sự cố bức xạ, hạt nhân chưa được đề cập trong kế hoạch nói trên của UBND thành phố. Sở Khoa học và Công nghệ cùng các chuyên gia và các đơn vị liên quan đề xuất, bổ sung thêm 5 kịch bản mới và đã được UBND thành phố phê duyệt.

Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức diễn tập các kịch bản ứng phó với các tình huống đã được phê duyệt. Thông qua các đợt diễn tập đã góp phần nâng cao năng lực ứng phó cho các lực lượng tham gia.

Kịch bản diễn tập năm nay tập trung vào việc củng cố khả năng phối hợp của các cơ sở y tế và các lực lượng thuộc Ban Chỉ đạo ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân thành phố; tăng cường khả năng ứng phó của đội ngũ nhân viên y tế; kiểm tra lại trạng thái sẵn sàng về mặt đội ngũ ứng phó, trang thiết bị phục vụ trong tình huống sự cố phóng xạ xảy ra.

Đồng thời, qua diễn tập, các đơn vị cũng đánh giá sự phù hợp của kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân đã được phê duyệt với điều kiện thực tế, từ đó điều chỉnh, bổ sung kịp thời, góp phần hoàn thiện kế hoạch ứng phó trong những năm tiếp theo.

Các lực lượng tiến hành tẩy xạ tại khu vực xảy ra sự cố. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các lực lượng tiến hành tẩy xạ tại khu vực xảy ra sự cố. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Văn Toàn đánh giá cao sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố, trong đó có vai trò của Sở Khoa học và Công nghệ trong việc tổ chức diễn tập thường xuyên các sự cố ứng phó bức xạ, hạt nhân.

Theo đó, những năm gần đây, việc ứng dụng năng lượng nguyên tử đã phát triển nhanh cả về số lượng loại hình và đã đóng góp tích cực, thiết thực trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Các kỹ thuật hạt nhân tiên tiến, thiết bị bức xạ cao đã được ứng dụng trong y tế, công nghiệp nông nghiệp... và mang lại hiệu quả cao.

Hiện cả nước có 49 cơ sở y học hạt nhân, tập trung ở các thành phố lớn với 49 thiết bị xạ hình, trong đó có thành phố Đà Nẵng, đạt tỷ lệ 0,5 thiết bị/1 triệu dân, tỷ lệ tương đối cao so với các nước trong khu vực.

Nhưng tình huống cháy tại khu vực lưu giữ nguồn phóng xạ là một mối nguy cơ hiện hữu và hoàn toàn có thể xảy ra như kịch bản tình huống mà thành phố Đà Nẵng diễn tập ứng phó vào ngày 22-9.

“Đối với Đà Nẵng, kịch bản tình huống diễn tập lần này được xem là có quy mô lớn nhất và phức tạp nhất mà thành phố triển khai diễn tập nhiều năm qua.

Kịch bản đã huy động được lực lượng, phương tiện và trang thiết bị ở mức độ cao, sự phối hợp bài bản, chuyên nghiệp, nhuần nhuyễn... để kiểm soát tình huống và giảm thiểu ảnh hưởng của bức xạ đối với con người và môi trường.

Thông qua buổi diễn tập cũng xác định được một số vấn đề phát sinh về điều kiện thực tế của cơ sở để đánh giá sự phù hợp của  kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân với thực tế để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch này”, ông Phạm Văn Toàn nói.

HOÀNG HIỆP

 

;
;
.
.
.
.
.