Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Phạm Đức Long cho biết, tháng 9-2024 là thời điểm hết hạn giấy phép cấp cho mạng cộng nghệ 2G nên Bộ TTTT sẽ triển khai quy hoạch lại tần số này.
Điện thoại công nghệ 2G hiện vẫn còn khách hàng sử dụng nhưng không nhiều, dịch vụ chỉ hội thoại hoặc nhắn tin. |
Bộ TTTT sẽ có giải pháp đến thời điểm tháng 9-2024, sẽ không còn máy 2G. "Các nhà mạng sẽ phải có chính sách hỗ trợ người dùng chuyển đổi từ thiết bị 2G sang thiết bị 4G. Mục tiêu của việc này nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, đưa hoạt động của người dân lên môi trường số", Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết.
Bộ TTTT đã có quy định không nhập thiết bị đầu cuối công nghệ 2G từ năm 2020. Tuy nhiên vẫn có thông tin máy điện thoại 2G nhập theo đường tiểu ngạch. Bộ TTTT sẽ triển khai thanh tra tại các địa phương về quy định không nhập thiết bị điện thoại 2G, nhằm bảo đảm đến thời điểm tháng 9-2024, khi giấy phép tần số cấp cho mạng 2G hết hạn, sẽ không còn điện thoại di động mạng 2G.
Bộ TTTT đã làm việc với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động và cơ bản thống nhất về định hướng lộ trình dừng công nghệ di động 2G.
“Có lẽ sóng 2G sẽ cần được duy trì thêm một thời gian, không phải để phục vụ cho máy 2G, mà phục vụ cho một số máy 4G. Bởi lẽ, theo thống kê, hiện ở Việt Nam có khoảng 15 triệu máy 4G không thể sử dụng thoại, tin nhắn trên mạng 4G, phải dùng xuống mạng 2G, 3G. Nghĩa là, chúng ta sẽ không còn máy 2G, đáp ứng đúng mục tiêu; song sẽ duy trì sóng 2G thêm một thời gian để tiếp tục chuyển đổi nốt lượng máy 4G nêu trên”, Thứ trưởng Phạm Đức Long thông tin thêm.
Các doanh nghiệp viễn thông sẽ hỗ trợ người dân chuyển đổi sang thiết bị 4G thông qua giá cước hoặc đổi máy mới. Thông thường, vòng đời của máy di động công nghệ 2 G là 3 năm. Như vậy, các máy 2G tại Việt Nam đang ở vào cuối của chu kỳ sử dụng, khi máy hỏng sẽ được người dùng thay thế.
Theo Báo Tin tức