Xây dựng thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

.

Tại hội thảo khoa học “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố đổi mới sáng tạo” và “Hội nhập quốc tế của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương trong bối cảnh toàn cầu hóa” trong khuôn khổ ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo SURF 2023, các cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp khởi nghiệp đề xuất những ý kiến, giải pháp để xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ Phạm Hồng Quất (đầu tiên, trái qua) và Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường (thứ 2, phải qua) tham quan các gian hàng tại SURF 2023. Ảnh: M.Q - V.H
Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ Phạm Hồng Quất (đầu tiên, trái qua) và Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường (thứ 2, phải qua) tham quan các gian hàng tại SURF 2023. Ảnh: M.Q - V.H

Phát huy thế mạnh của các thành tố

Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) đánh giá, Đà Nẵng có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển, nhưng vẫn còn hạn chế về quy mô, chất lượng. Vì vậy, Đà Nẵng cần tập trung vào các lĩnh vực: xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy hợp tác giữa các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, thành phố cần tăng cường năng lực của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, tập trung nâng cao nguồn lực, kinh nghiệm, kỹ năng cho đội ngũ nhân sự, mở rộng mạng lưới đối tác.

Thực hiện các hoạt động hỗ trợ startup Đà Nẵng từ năm 2019, ông Aaron Everhart, Tổng Giám đốc Draper Startup House Việt Nam, nhà sáng lập HATCH! đánh giá, chính quyền thành phố luôn nỗ lực để hỗ trợ tối đa các dự án khởi nghiệp (startup), đặc biệt là nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp được thành lập gần đây càng cho thấy sự quan tâm tới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố. Ông Aaron Everhart cho rằng, các startup Đà Nẵng cần tăng cường tìm hiểu về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của thành phố hoặc tìm tới các vườn ươm để có những định hướng phù hợp.

TS. Nguyễn Ngọc Song, Phó Giám đốc Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ - KH&CN) cho biết, theo kết quả tổng hợp của các tỉnh tham gia thử nghiệm PII năm 2022 (Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương), Đà Nẵng là địa phương xếp vị trí thứ hai. Điều này cho thấy tiềm năng và dư địa của Đà Nẵng về phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

TS. Nguyễn Ngọc Song đề xuất, Đà Nẵng cần sự hợp sức của hệ thống chính trị, từ lãnh đạo đến người dân; nhìn nhận những điều đang làm tốt và chưa tốt để thực hiện các biện pháp, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương. Hiện tại, thành phố cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất cho các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp.

Xây dựng điểm đến tin cậy của khởi nghiệp

TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) thông tin, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng góp phần quan trọng trong việc nâng hạng duy trì hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong ASEAN cũng như trên toàn cầu. Đà Nẵng là địa phương hội tụ hàm lượng công nghệ cao như: công nghệ sinh học, chăm sóc sức khỏe, đào tạo, tài chính, biotech, fintech… Đây là những vấn đề mà nhà đầu tư trên thế giới rất quan tâm.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong chuyển đổi số - yếu tố thuận lợi làm thương hiệu cho startup của thành phố. Đà Nẵng sẽ là nơi tiên phong để các startup mang những mô hình công nghệ mới về thử nghiệm và phát triển. Để phát huy những lợi thế đang có, thành phố cần tập trung phát triển về con người, nguồn nhân lực, có thể từ việc thu hút các tài năng ở những thành phố khác.

Đồng thời cần cho các nhà đầu tư cảm nhận được sự an toàn, bền vững và khả năng nhân rộng, mở rộng thị trường đối với các sản phẩm của cộng đồng khởi nghiệp thành phố. Vì vậy, chất xám sở hữu trí tuệ, mô hình nhân lực tài năng và không gian thử nghiệm là ba yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái của Đà Nẵng, góp phần hình thành thành phố đáng sống cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH&CN thành phố nhìn nhận, Nghị quyết số 43/NQ-TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị xác định: “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”. Đà Nẵng đang hội tụ nhiều lợi thế để trở thành hạt nhân, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Việc trở thành thành phố đổi mới sáng tạo sẽ giúp Đà Nẵng tăng cường vị thế và uy tín tại quốc tế.

MAI QUẾ - VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.