Những năm gần đây, việc gia tăng các hoạt động tiêu dùng số, mua sắm trực tuyến của người dân đã tạo điều kiện cũng như đặt ra yêu cầu buộc doanh nghiệp phải đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số để tiếp cận xu hướng mới của khách hàng.
Xu hướng mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng yêu cầu doanh nghiệp phải thay đổi cách tiếp cận, đầu tư vào công nghệ số. Ảnh: CHIẾN THẮNG |
Nền tảng Selly đang là một kênh trung gian và giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề về quảng cáo, bán hàng, giao hàng, chăm sóc khách hàng, giải quyết khiếu nại... của sản phẩm từ các nhà phân phối. Ông Nguyễn Nam Hải, Giám đốc vận hành Công ty TNHH Selly (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) chia sẻ, sau hai năm vận hành nền tảng đã có gần 70.000 cộng tác viên bán hàng, cung cấp 17 ngành hàng, tập trung vào nhóm hàng thời trang, chăm sóc sắc đẹp, tiêu dùng và gia dụng; doanh số bán hàng năm 2022 đạt hơn 160 tỷ đồng, với hơn 1,7 triệu sản phẩm được bán ra. Selly là nền tảng bán hàng trực tuyến nhưng có nhiều điểm khác biệt với những nền tảng khác khi người bán hàng được kết nối trực tiếp với nhà phân phối để có được giá bán gốc. Các doanh nghiệp chỉ cần tạo một gian hàng trên Selly, còn mọi việc khác như giao nhận sản phẩm, quảng bá sản phẩm, phản hồi thông tin… sẽ được nền tảng hỗ trợ để xử lý.
Ngoài ra, để bắt nhịp với xu hướng tiêu dùng số, nhiều doanh nghiệp đã sớm đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số tích hợp để mang đến trải nghiệm tối ưu cho khách hàng, tạo cơ sở để chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP sản xuất thiết bị điện STC Electronic (phường An Khê, quận Thanh Khê) cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, hơn 70% tổng số đầu tư của doanh nghiệp là dành cho nhân lực và những phương tiện phục vụ chuyển đổi số.
Nguyên nhân tỷ trọng đầu tư vào công nghệ chiếm hơn 2/3 tổng quỹ đầu tư là từ sự nhận thức về vai trò, xu hướng của người tiêu dùng đang dần thay đổi sang các nền tảng số. Nhờ có sự đầu tư hợp lý, doanh nghiệp của ông đã có mức tăng trưởng kinh doanh ổn định. “Nguồn tiền đầu tư của doanh nghiệp vào thiết bị công nghệ, chiếm 40%; các ứng dụng, chương trình số hóa, chiếm 30%; nhân lực số, chiếm 30%. Là doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập và nhận được nguồn vốn đầu tư dồi dào nên doanh nghiệp tôi không mất quá nhiều thời gian để có thể chuyển đổi số”, ông Cường bày tỏ.
Xu hướng thương mại xuyên biên giới đang giúp thương mại điện tử trở nên bùng nổ, theo đó, hành vi của người tiêu dùng trong việc tiếp cận các sản phẩm mới đã có sự thay đổi. Điều này khiến các doanh nghiệp phải chủ động trong việc xác định mục tiêu, chiến lược để đáp ứng như yêu cầu từ thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư nhân lực, công nghệ đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu từ chuyển đổi số.
Ông Đỗ Quý Sự, Giám đốc điều hành Công ty CP Công nghệ FiveSS (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) nhìn nhận, rào cản lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp ông chính là chi phí đầu tư, tập trung vào các giải pháp công nghệ số hay chi phí triển khai duy trì hiện nay rất lớn. Tuy đã bắt đầu tập trung mạnh vào các giải pháp công nghệ nhưng doanh nghiệp ông chỉ mới đáp ứng được từ 20-30% so với kỳ vọng.
Theo ông Sự, việc đầu tư cần theo tiến trình, ưu tiên hàng đầu về trình độ nhân lực số trước khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng để tránh lãng phí nguồn lực. Đầu tư con người tập trung vào chuyên môn trong việc tìm kiếm thị trường, cải thiện chất lượng phục vụ sản phẩm. Để chuyển đổi số một cách hiệu quả các lãnh đạo từ điều hành cấp cao cho đến các trưởng bộ phận phải có sự thống nhất, phối hợp để tránh những quyết định kém hiệu quả.
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, để xác định được mục tiêu chiến lược và tầm nhìn phù hợp trong chuyển đổi số, doanh nghiệp cần cân nhắc những yếu tố đầu vào như mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, các chiến lược chung trong ngắn và dài hạn; liên tục cập nhật thông tin, xu hướng thị trường bởi bản chất chuyển đổi số là đưa các nền tảng lên số hóa thay cho phương pháp thủ công truyền thống.
Bên cạnh đó, cần chú ý đến xu hướng, tác động của thị trường cũng như thay đổi trong hành vi mua sắm. Điều này sẽ phát triển mức độ linh hoạt của doanh nghiệp để nhanh chóng phản ứng trước những biến động thị trường, từ đó cải thiện hiệu quả bộ máy của doanh nghiệp nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, tiếp cận hiệu quả với khách hàng, tối ưu chi phí, lợi nhuận, nâng cao bảo mật để bảo đảm vận hành ổn định...
CHIẾN THẮNG