Công nghệ
Phát triển trí tuệ nhân tạo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong kinh tế số
Theo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đà Nẵng sẽ tập trung thúc đẩy đào tạo, nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế số; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đề xuất thí điểm Trung tâm nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo cấp khu vực tại thành phố.
Tập đoàn FPT chọn Đà Nẵng là một trong những địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo. Ảnh: GIA PHÚC |
Đà Nẵng sẽ hoàn thành cơ bản chuyển đổi số, hình thành thành phố thông minh, thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10%/năm.
Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực sản xuất nội dung báo chí, phát thanh, truyền hình, hình thành các nền tảng số trên môi trường mạng, khuyến khích sử dụng chung nền tảng số đa dịch vụ. Phát triển dịch vụ bưu chính số, nền tảng vận chuyển hàng hóa số, phát triển kinh doanh trên nền tảng thương mại di dộng (M-commerce).
Cùng với đó, Đà Nẵng tập trung phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông trở thành ngành kinh tế chủ đạo với tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm gấp 2-2,5 lần tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố. Hình thành các khu công nghệ thông tin tập trung và chuỗi khu công viên phần mềm, tạo sự liên kết trong nghiên cứu làm chủ công nghệ và sản xuất các sản phẩm công nghệ số.
Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm; ưu tiên phát triển công nghiệp phần mềm, sản xuất nội dung số, thiết kế, sản xuất vi mạch, cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và có tiềm năng xuất khẩu.
Ngành công nghiệp công nghệ số của thành phố sẽ được phát triển theo tinh thần kết hợp tự cường sáng tạo và hợp tác quốc tế có chọn lọc. Nghiên cứu xây dựng, áp dụng các cơ chế, chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), thúc đẩy đào tạo, nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế số. Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đề xuất thí điểm Trung tâm nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo cấp khu vực tại thành phố.
Phát triển các doanh nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số có khả năng dẫn dắt, làm chủ công nghệ, tham gia vào nền kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Thành phố sẽ sử dụng các nền tảng công nghệ số tương tác để người dân tham gia giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng kết nối với Hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn mạng phục vụ Chính phủ số của quốc gia, Hệ thống an ninh mạng phục vụ Chính phủ số của quốc gia.
Trước đó, tại Kế hoạch số 163/KH-UBND về Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố đến năm 2030 do UBND thành phố ban hành đề ra mục tiêu phát triển nền kinh tế số đóng góp tối thiểu 20% GRDP thành phố, trong đó công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông chiếm tối thiểu 10% GRDP thành phố vào năm 2025.
Đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố; trong đó công nghiệp công nghệ thông tin chiếm tối thiểu 15% GRDP thành phố. Đến năm 2030, đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ. Tốc độ tăng trưởng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 10%/năm; tốc độ tăng trưởng doanh thu xuất khẩu phần mềm giai đoạn 2021-2030 đạt 12%/năm; thành phố Đà Nẵng có tối thiểu 7 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm.
Quy hoạch tổng thể về công nghiệp, xác định xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng giảm dần các ngành sản xuất thâm dụng đất đai, lao động, giá trị gia tăng thấp, hạn chế và tiến tới loại bỏ các ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường; tăng tỷ trọng các ngành, lĩnh vực sản xuất có hàm lượng cao về công nghệ, tri thức, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Cụ thể, phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao gồm: công nghệ vi điện tử, công nghệ chip và vi mạch bán dẫn, cơ khí chính xác, cơ - điện tử, quang - điện tử và tự động hóa; công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano v.v... trở thành ngành công nghiệp chủ đạo.
Phát triển các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên gồm: công nghiệp ô-tô; công nghiệp hàng không; công nghiệp du thuyền; công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo; công nghiệp hóa dược, hóa mỹ phẩm; công nghiệp thực phẩm, đồ uống theo hướng sản xuất, chế biến tinh; công nghiệp thời trang gắn với thiết kế mẫu và các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo khác có giá trị gia tăng cao. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 12%/năm. Phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó tập trung các lĩnh vực sản xuất, cung ứng cho các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp công nghệ cao; tạo điều kiện hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành.
GIA PHÚC