Công nghệ
Nâng cao chất lượng nhân lực khoa học và công nghệ
Chiều 16-5, tại tọa đàm “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến” do Thường trực Thành ủy tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp, kiến nghị nhiều giải pháp, đề xuất chính sách xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ gia tăng cả lượng và chất.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: MAI QUẾ |
Hoàn thiện cơ chế, chính sách
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa họcKỹ thuật thành phố Võ Công Trí cho biết, Đà Nẵng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đào tạo, thu hút, sử dụng, trọng dụng, tôn vinh nhằm phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức; bước đầu tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức hoạt động, phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng 4.0 diễn ra nhanh chóng, đòi hỏi thành phố phải có những đột phá mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, nhất là phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN) đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
Phát triển nguồn nhân lực cần có cơ chế, chính sách thiết thực, hiệu quả và đồng bộ, không chỉ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực mới, mà còn phải tạo động lực giữ chân được lực lượng cán bộ khoa học, công nghệ đang làm việc tiếp tục cống hiến, đóng góp; khơi dậy được niềm đam mê học các môn khoa học tự nhiên cho học sinh phổ thông.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế, thu hút các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia nước ngoài hợp tác, tham gia hoạt động khoa học trong nước.
Giám đốc Sở KH&CN Lê Đức Viên cho rằng, thành phố cần tập trung thực hiện các giải pháp, trong đó chú trọng đầu tư tiềm lực cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về thu hút, sử dụng, đãi ngộ trí thức và triển khai hiệu quả các chính sách, đặc biệt là chế độ tiền lương, chính sách thu hút nguồn nhân lực cần gắn liền với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; kêu gọi các chuyên gia đầu ngành để tham gia các dự án hoặc nhiệm vụ lớn của thành phố…
Mặt khác, thực hiện tốt công tác dự báo, quy hoạch, nhu cầu và yêu cầu phát triển của đội ngũ trí thức trong từng ngành, lĩnh vực bảo đảm phát triển cả về số và chất lượng.
Lãnh đạo thành phố, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học tham dự tọa đàm “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến”. Ảnh: VĂN HOÀNG |
“Lưu thông chất xám” để tiếp cận nhân tài
Theo GS.TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đà Nẵng cần đổi mới cách tiếp cận trong tìm kiếm, tuyển dụng, đào tạo và sử dụng nhân tài phù hợp với tình hình mới; tiếp cận, sử dụng hiệu quả năng lực của đội ngũ nhân lực chất lượng cao theo quan điểm “lưu thông chất xám” của Singapore, tận dụng nguồn lực chất xám chung trong nước và quốc tế để có nguồn lực phong phú với kỹ năng, năng lực cập nhật liên tục; xây dựng chiến lược đào tạo, tuyển dụng phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Chính quyền thành phố cần xây dựng cơ chế hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, bền vững; định hình những lĩnh vực ưu tiên phát triển trong từng thời kỳ.
TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, thành phố cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, đẩy mạnh giáo dục kết hợp liên môn STEM và giáo dục ngoại ngữ; hợp tác nhân lực giảng dạy, đào tạo giữa các bệnh viện và trường đại học…
TS Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố cũng đề xuất, Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật cần tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tư vấn phản biện, kết nối trong nước và quốc tế; từ đó, tập hợp đông đảo đội ngũ nữ trí thức; tạo nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để khơi dậy khát vọng cống hiến, đồng hành cùng các cấp sở, ban, ngành trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của thành phố.
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, thời gian đến, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của KH&CN, tạo điều kiện để ngành KH&CN phát triển, đặc biệt là nâng cao vai trò người đứng đầu trong việc sử dụng nguồn nhân lực trí thức.
Đồng thời, thành phố tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực cho KH&CN, nghiên cứu nhiều chính sách để phát triển KH&CN, hoàn thiện hệ thống chính sách đối với nhân lực nghiên cứu khoa học, đặc biệt ưu tiên tập trung các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố; chú trọng đẩy mạnh thu hút chuyên gia đầu ngành để tham gia các dự án hoặc nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Sở KH&CN nghiên cứu để đưa những đề tài dự án khoa học phát triển rộng rãi hơn.
Đảng đoàn các Liên hiệp Khoa học và kỹ thuật thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp đội ngũ trí, tiếp tục nâng cao về chất lượng và số lượng, tham gia các đề tài nhằm hiến kế và phản biện cho thành phố. Đại học Đà Nẵng và các đại học trên địa bàn thành phố tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường đầu tư hạ tầng cho nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.
VĂN HOÀNG - MAI QUẾ
Sáng 16-5, tại lễ khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023 trong sáng 16-5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường cho biết, các hoạt động nghiên cứu, ứng khoa học, công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển mạnh mẽ; phát huy được tiềm năng to lớn về trí tuệ của nhân dân trong sản xuất và đời sống, trong đó, các nhà khoa học, nhà khởi nghiệp sáng tạo đóng vai trò then chốt trong sự phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố.Trong 3 năm liền, Đà Nẵng nhận danh hiệu “Thành phố hấp dẫn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam vinh danh; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tặng danh hiệu “Địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp”; Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá là một trong những địa phương có đóng góp nổi bật cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Bên cạnh các chính sách hiện có, thành phố đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các chính sách đặc thù về phát triển thành phố. Các nội dung chính sách đã được Chính phủ thống nhất, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua và dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5-2024; trong đó có nhiều chính sách đột phá về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phó Chủ tịch UBND thành phố mong các chuyên gia, các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tiễn, đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu, gắn kết quả nghiên cứu với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo như Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị đã xác định. Tại lễ khen thưởng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường đã trao bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố cho các tác giả, nhóm tác giả của 2 sáng chế; 4 giải pháp hữu ích đã được cấp văn bằng bảo hộ; 6 công trình đạt Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam; 47 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học uy tín; 9 cá nhân và 9 tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023. VIỆT ÂN |