Công nghệ
Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành xây dựng
Thành phố Đà Nẵng đang hướng đến thực hiện lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình, một giải pháp chuyển đổi số hoạt động đầu tư xây dựng vào các công trình có quy mô cấp 2 trở lên từ năm 2025. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đang đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả công tác thẩm định, cấp phép xây dựng trên môi trường điện tử và đang triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành xây dựng.
Các công trình xây dựng ngày càng có quy mô lớn, đa dạng, phức tạp... đòi hỏi phải áp dụng công nghệ số trong công tác quản lý, thẩm định, cấp phép xây dựng. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Các dự án xây dựng ngày càng trở nên đa dạng, phức tạp về thiết kế, kết cấu, vật liệu, trang thiết bị... và được ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến cũng như yêu cầu cao hơn về độ chính xác, hiệu quả, thẩm mỹ, an toàn trong thiên tai, hỏa hoạn...
Việc ứng dụng các công nghệ số trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, thẩm định, cấp phép xây dựng... như mô hình thông tin công trình (BIM), trí tuệ nhân tạo (AI), bản đồ số (GIS), viễn thám (RS)... sẽ đóng vai trò then chốt để giải quyết những thách thức nói trên và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Văn Hoàng cho rằng, chuyển đổi số là một xu hướng trong ngành xây dựng, trong đó, việc áp dụng BIM là rất cần thiết đối với dự án đầu tư xây dựng để nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí và tăng độ chính xác trong quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành các công trình.
Theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2023, việc áp dụng BIM là bắt buộc đối với các công trình cấp 1, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) mà bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án. Từ năm 2025, việc áp dụng BIM là bắt buộc từ bước chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng đối với các công trình cấp 2 trở lên...
Theo Sở Xây dựng, UBND thành phố đã thống nhất chủ trương lựa chọn 4 công trình cấp 2 từ nguồn vốn đầu tư công được thí điểm áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM), một giải pháp chuyển đổi số hoạt động đầu tư xây dựng trong năm 2024.
Theo đó, 3 công trình Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn); Khu lưu trữ hiện hành Trung tâm Hành chính thành phố (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ); cụm nút giao thông đường Lê Thanh Nghị, Cách Mạng Tháng Tám, Thăng Long và đường dẫn lên cầu Hòa Xuân (quận Hải Châu và quận Cẩm Lệ) được áp dụng BIM từ bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Công trình Trường Tiểu học Lê Kim Lăng giai đoạn 2 (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) được áp dụng BIM từ bước lập thiết kế xây dựng (triển khai sau thiết kế cơ sở).
Trên cơ sở kết quả áp dụng BIM đối với 4 công trình nói trên, thành phố tổ chức đánh giá việc thí điểm để áp dụng phổ biến đối với các công trình cấp 2 trở lên từ năm 2025 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian qua, Sở Xây dựng đã khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị áp dụng BIM trong hoạt động đầu tư xây dựng... Tuy vậy, việc ứng dụng các công nghệ mới như BIM, GIS và AI trong công tác thẩm định và cấp phép xây dựng còn hạn chế và gặp khó khăn...
Nhằm nâng cao hiệu quả việc xử lý hồ sơ, công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử, nhất là công tác thẩm định, cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng đề xuất thành phố xây dựng mô hình kiến trúc tổng thể hệ thống ứng dụng công nghệ với 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 là xây dựng cơ sở dữ liệu số và quản trị khai thác dữ liệu thẩm định, cấp phép xây dựng và quản lý dự án, công trình trên nền tảng GIS. Giai đoạn 2 là quản lý toàn trình quy trình thẩm định và cấp phép trên nền tảng bản đồ số, tích hợp với hệ thống một cửa điện tử và các hệ thống khác. Giai đoạn 3 là áp dụng BIM kết hợp các công nghệ GIS, AI và RS vào công tác quản lý, thẩm định và cấp phép xây dựng.
Hiện nay, thực hiện nhiệm vụ được UBND thành phố giao, Sở Xây dựng đang triển khai, thực hiện dự án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhà ở và thị trường bất động sản trên nền tảng bản đồ số (giai đoạn 1). Hệ thống này được tích hợp các hồ sơ được số hóa về chung cư, nhà ở xã hội, dự án bất động sản...
Để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong ngành xây dựng, vừa qua, Sở Xây dựng đã làm việc với Công ty Công nghệ thông tin VNPT (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT) về các giải pháp chuyển đổi số dành riêng cho ngành, tập trung vào 9 chức năng, nhiệm vụ như sự nghiệp công; hành chính nội bộ; kinh tế và vật liệu xây dựng; hoạt động đầu tư xây dựng; chất lượng công trình; hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị; nhà ở, công sở và thị trường bất động sản; quy hoạch xây dựng, kiến trúc; bảo vệ môi trường...
Ngoài ra, còn một số giải pháp áp dụng công nghệ AI, GIS, RS, BIM vào quản lý quy hoạch, kiến trúc; công nghệ bản đồ số 3D…
HOÀNG HIỆP