Công nghệ
Đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ người dân, doanh nghiệp
Quận Thanh Khê chú trọng đẩy mạnh đồng bộ nhiều giải pháp và ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số; qua đó đạt được những kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội cũng như phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Với nền tảng từ xây dựng chính quyền điện tử, quận Thanh Khê đẩy mạnh toàn diện trên cả 3 lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Ảnh: TRẦN TRÚC |
Triển khai “Thanh toán không dùng tiền mặt”, đến nay toàn quận đã có 12/12 chợ và 4 tuyến phố chuyên doanh, 18 tuyến đường thực hiện mô hình. Địa phương cũng thực hiện cập nhập dữ liệu 1.889 hộ tiểu thương của các chợ vào phần mềm quản lý chuyên ngành; hỗ trợ phát triển hình thành 13 sản phẩm OCOP trên địa bàn, trong đó 5 sản phẩm xuất hiện trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Shopee.vn; hỗ trợ Hợp tác xã Mây tre An Khê tham gia sàn thương mại điện tử quốc tế Alibaba.
Với đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, UBND quận đã ban hành nhiều văn bản triển khai, đôn đốc, mở các đợt cao điểm hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử; kết quả đã thu nhận 166.039 hồ sơ định danh điện tử và kích hoạt 133.713 tài khoản.
Quận phối hợp với VNPT Đà Nẵng tổ chức triển khai cấp chữ ký số miễn phí cho các cán bộ, viên chức và người dân, tổ chức gần 25 chương trình giới thiệu, hướng dẫn và hỗ trợ cài đặt; đến nay đã hỗ trợ hơn 3.500 công dân thực hiện đăng ký chữ ký số công cộng.
Song song với phát triển kinh tế số, địa phương cũng chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. UBND quận đã hợp tác với các đơn vị thực hiện số hóa di tích đối với 2 di tích cấp quốc gia là nhà Mẹ Nhu và đình Thạc Gián. Theo đó, người dân có thể xem trực tuyến tham quan nhà Mẹ Nhu với các hạng mục như kiến trúc công trình, các tài liệu liên quan đến lịch sử di tích, phim tư liệu giới thiệu về chiến công của Mẹ Nhu và 7 dũng sĩ Thanh Khê.
Đối với đình làng Thạc Gián được thực hiện số hóa bằng công nghệ VR360 hỗ trợ người xem trực tuyến tham quan toàn bộ đình Thạc Gián, phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng số hóa sắc phong và hoàn thiện phim tư liệu về đình Thạc Gián gắn với lưu trữ lịch sử qua lời kể của những người trong Hội đồng Chư phái tộc đình làng Thạc Gián.
Trong lĩnh vực giáo dục, các đơn vị, phòng, ban của quận thường xuyên tổ chức tập huấn, giới thiệu ứng dụng quản lý thu học phí và phí trong cùng hệ sinh thái quản lý trường học. Đến nay, 36/36 trường công lập trên địa bàn quận đều triển khai thực hiện tài chính không dùng tiền mặt thông qua các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử hoặc phần mềm quản lý chuyên dụng...
Song song đó, triển khai hệ thống quản lý nhà trường đồng bộ từ trường mầm non, trường tiểu học và trường THCS nhằm xây dựng hệ thống dữ liệu tập trung và đồng bộ theo yêu cầu của ngành giáo dục và đào tạo với việc mỗi học sinh đều có một mã định danh duy nhất trên toàn quốc, dữ liệu học sinh và giáo viên được đồng bộ với hệ thống dữ liệu quản lý dân cư.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Thanh Khê Trần Tường Vân cho biết, trong những năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Quận ủy cùng với sự hỗ trợ của Sở Thông tin và Truyền thông, UBND quận Thanh Khê là địa phương dẫn đầu về công nghệ thông tin khối quận, huyện trong 6 năm liền, từ năm 2017 đến 2022.
Với nền tảng từ xây dựng chính quyền điện tử, các ngành, địa phương đã cùng chung tay đẩy mạnh toàn diện trên cả 3 lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Qua đó đã nâng cao nhận thức cho người dân, phát hiện nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội của quận. Bên cạnh những thuận lợi, hiện nay số lượng công chức phụ trách công nghệ thông tin tại quận và phường vẫn chưa bảo đảm, còn hoạt động kiêm nhiệm; một số người dân vẫn còn tâm lý e ngại nên gây khó khăn cho công tác triển khai thanh toán không tiền mặt, đặc biệt là tại các chợ có các hộ tiểu thương thuộc diện khó khăn, lớn tuổi…
Thời gian đến, quận Thanh Khê tiếp tục tăng cường công tác theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát các cơ quan, đơn vị đồng bộ trong công tác chuyển đổi số; duy trì hiệu quả cơ sở dữ liệu chuyên ngành cấp quận bảo đảm đúng, đủ, sạch; triển khai các giải pháp tích hợp, khai thác các dịch vụ của thành phố trên trục tích hợp dữ liệu (LGSP).
UBND quận Thanh Khê dẫn đầu về công tác chuyển đổi số năm 2023 Ngày 12-9-2024, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1936/QĐ-UBND về tặng bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố cho các đơn vị đã có thành tích tốt, dẫn đầu trong công tác chuyển đổi số năm 2023 theo từng khối địa phương. Theo đó, tặng bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố cho UBND quận Thanh Khê vì đã có thành tích tốt, dẫn đầu khối UBND các quận, huyện. |
TRẦN TRÚC