Công nghệ

Kết nối công nghệ quốc tế: Hướng phát triển thị trường khoa học và công nghệ

07:47, 19/12/2024 (GMT+7)

Việc phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) với sự kết nối công nghệ và hợp tác quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội cho thành phố Đà Nẵng.

Các chuyên gia Úc cùng Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham quan khu sản xuất chip tại Công ty CP Trung Nam EMS, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: ĐĂNG TRÌNH
Các chuyên gia Úc cùng Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham quan khu sản xuất chip tại Công ty CP Trung Nam EMS, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: ĐĂNG TRÌNH

Cơ chế chính sách thuận lợi

Thời gian qua, Trung ương và địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho phát triển thị trường KH&CN, thu hút đối tác nước ngoài. Một trong những điểm sáng về chính sách, làm động lực cho doanh nghiệp Đà Nẵng phát triển chính là Quốc hội ban hành Nghị quyết 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Nhiều vấn đề, lĩnh vực mới và chưa có tiền lệ như khu thương mại tự do; thí điểm cơ chế tài chính; trao đổi bù trừ tín chỉ carbon; thu hút nhà đầu tư chiến lược trong một số ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; chính sách về thử nghiệm có kiểm soát, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Hiện nay, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng tập trung thu hút đầu tư vào 6 nhóm ngành công nghệ và sản phẩm chủ đạo gồm: Công nghệ chip bán dẫn, công nghiệp vi mạch bán dẫn, chế tạo linh kiện, điện tử linh hoạt (PE), chip, vật liệu mới… Theo ông Ngô Tấn Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ tổng hợp Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, thành phố có nhiều chính sách ưu đãi, cụ thể như các nhà đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng sẽ được miễn tiền thuê đất và giải phóng mặt bằng trong một số trường hợp; miễn thuế thu nhập trong 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm sau cho doanh nghiệp có dự án đầu tư mới; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp…

Nhiều công nghệ nước ngoài được kết nối

Thời gian qua, Sở KH&CN đã tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, kết nối công nghệ tại các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore,  Úc... Các hoạt động này giúp tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN, tìm kiếm các cơ hội đầu tư và chuyển giao công nghệ hỗ trợ cho doanh nghiệp Đà Nẵng. Mới đây, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng đã kết nối với các đối tác từ Úc, mang đến một số công nghệ mới hiện đại, có thể ứng dụng chuyển giao cho các đơn vị, doanh nghiệp Đà Nẵng. Nổi bật là công nghệ chống cháy đột phá.

Công nghệ này bao gồm loại sơn trương nở chống cháy đầu tiên trên thế giới, hiện được thương mại hóa tại Úc, Mỹ. Hay công nghệ máy tính lượng tử dựa trên nguyên lý cơ học lượng tử, cho phép xử lý thông tin với tốc độ và hiệu quả vượt trội, mở ra cơ hội ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như y tế, tài chính, vật liệu và an ninh mạng.

Được biết, các đơn vị trên địa bàn thành phố đã có những kết nối nổi bật như Đại học Duy Tân nghiên cứu hướng triển khai hợp tác với Đại học New South Wales để mang lại cơ hội cho sinh viên và giảng viên tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, đồng thời tham gia vào các dự án nghiên cứu chung, nâng cao năng lực và khả năng sáng tạo trong môi trường học thuật quốc tế. Trong lĩnh vực y tế, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán và điều trị bệnh được chia sẻ và kết nối với Bệnh viện 199.

Theo Sở KH&CN, việc kết nối chuyển giao công nghệ nước ngoài đến với Đà Nẵng sẽ góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường KH&CN. Tuy nhiên, những khó khăn về nguồn lực, cơ sở hạ tầng công nghệ và cơ chế hợp tác công - tư vẫn đang là rào cản. Lượng giao dịch công nghệ còn hạn chế, các tổ chức trung gian yếu về năng lực tư vấn, định giá, và xúc tiến chuyển giao công nghệ. Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các công nghệ cao. Đây là bài toán mà Đà Nẵng cần tiếp tục tháo gỡ trong thời gian đến.

ĐĂNG TRÌNH

.