Công nghệ

Phát triển năng lực số cho công dân

14:45, 04/12/2024 (GMT+7)

Khung năng lực số cho công dân là giải pháp để nâng cao kỹ năng chuyển đổi số cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội.

Đoàn viên thanh niên phường Nam Dương hỗ trợ người dân nâng cao nhận thức số.  Ảnh: CHIẾN THẮNG
Đoàn viên thanh niên phường Nam Dương hỗ trợ người dân nâng cao nhận thức số. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Chỉ số đánh giá năng lực số cụ thể cho công dân

Quyết định số 2242/QĐ-UBND của UBND thành phố về việc phê duyệt, ban hành khung năng lực số cho công dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng dựa trên nền tảng Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định người dân và doanh nghiệp là trung tâm của quá trình chuyển đổi số.

Với mục tiêu đó, việc triển khai khung năng lực số sẽ giúp người dân nắm bắt và sử dụng hiệu quả các công nghệ số trong đời sống và công việc. Khung năng lực này cung cấp các tiêu chí cụ thể về kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để mọi người dân có thể tương tác và làm việc trong môi trường số một cách an toàn và hiệu quả; khi có năng lực số tốt sẽ dễ dàng tham gia vào các hoạt động kinh tế.

Về cấu trúc, tổng quan khung này gồm 5 lĩnh vực: thông tin và dữ liệu; truyền thông và cộng tác; tạo lập nội dung số; bảo vệ và an toàn; môi trường kỹ thuật số; với chi tiết 17 năng lực số thành phần và 173 tiêu chí đánh giá. Mỗi lĩnh vực sẽ được chia thành các năng lực thành phần cụ thể với các tiêu chí đánh giá rõ ràng về kiến thức, kỹ năng và thái độ, cùng 5 mức độ thông thạo: bắt đầu, cơ bản, khá, cao, nâng cao. Phương pháp đánh giá năng lực số của công dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phân theo 3 nhóm: kiến thức, kỹ năng và thái độ.

Thông qua các tiêu chí trong khung năng lực số, người dân sẽ biết, nắm rõ hơn về các kỹ năng số để tương tác, kết nối, làm việc trên môi trường số, từ đó chủ động tham gia các khóa học, tập huấn và trang bị công cụ nhằm cải thiện năng lực số. Về đối tượng áp dụng của khung năng lực số sẽ được áp dụng cho toàn bộ người dân, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, qua đó bảo đảm mọi đối tượng đều có cơ hội nâng cao năng lực số của mình.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ, khung năng lực số cho công dân là cơ sở để cơ quan, địa phương xây dựng và triển khai tập huấn, hướng dẫn về chuyển đổi số cho người dân hiệu quả hơn; áp dụng các chính sách, giải pháp, hỗ trợ trang bị công cụ số cần thiết cho người dân; đặc biệt là triển khai các ứng dụng, hệ thống chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân... góp phần thúc đẩy triển khai thành công chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn thành phố.

Chuẩn bị kỹ để đưa khung năng lực số vào thực tiễn

Ngay sau khi thành phố ban hành Quyết định số 2242/QĐ-UBND, nhiều đơn vị liên quan đã tổ chức phương án nghiên cứu, thảo luận về nội dung của khung năng lực số. Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) Phạm Thành Nam nhìn nhận, khung năng lực số cho công dân là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các chỉ số trong khung năng lực số sẽ đánh giá thực trạng về năng lực số của các công dân để địa phương có thể xác định những điểm cần cải thiện. Việc xây dựng và triển khai khung năng lực này sẽ góp phần hình thành một cộng đồng công dân số, sẵn sàng tham gia vào các hoạt động kinh tế và xã hội trong kỷ nguyên số.

Chủ tịch UBND phường Nam Dương Nguyễn Phúc Bảo Nam cho biết, trong thời gian đến, phường sẽ tổ chức tuyên truyền về vai trò quan trọng của quá trình triển khai khung năng lực số, để từ đó giúp người dân hiểu rõ hơn về mục tiêu và ý nghĩa của việc xây dựng khung năng lực số. Chủ tịch UBND phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) Đinh Hữu Phúc cho hay phường đang nghiên cứu, tham khảo cách thức vận hành, hoạt động của  khung năng lực số tại các quốc gia phương Tây. Vì khi thành phố đưa vào thực tiễn, phường sẽ chủ động trong việc tiếp cận phương thức, vận dụng hiệu quả, linh hoạt để nâng cao nhận thức số, sớm hoàn thành các mục tiêu tại khung năng lực số của công dân.

Khung năng lực số đóng vai trò rất lớn giúp công dân nâng cao chất lượng cuộc sống, là nền tảng để Đà Nẵng thực hiện chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua các tiêu chí trong khung năng lực số, công dân thành phố biết, nắm rõ hơn về các kỹ năng số để tương tác, kết nối, làm việc trên môi trường số từ đó chủ động tham gia các khóa học, tập huấn và trang bị công cụ nhằm cải thiện năng lực số.

Theo ông Trần Ngọc Thạch, thời gian qua, sở phối hợp cùng chuyên gia tư vấn xây dựng đồng bộ khung năng lực số của công dân; hoàn thành dự thảo và có công văn gửi các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp công nghệ số góp ý dự thảo khung năng lực số cho công dân trên địa bàn thành phố. Sở tiếp tiếp nỗ lực sớm hoàn thiện và đưa vào phổ biến, áp dụng thực tế trên toàn địa bàn thành phố các nội dung trong khung năng lực số cho công dân.

CHIẾN THẮNG

.