Khảo sát tuyến du lịch đường thủy sông Cu Đê - Trường Định

.

ĐNO - Chiều 31-8, lãnh đạo Ban Văn hóa Xã hội, HĐND thành phố cùng các đơn vị liên quan đi khảo sát thực tế việc phát triển du lịch đường thủy tại tuyến sông Cu Đê - Trường Định - Hòa Bắc.

Đoàn khảo sát một số di tích, điểm đến trên tuyến đường thủy Cu Đê - Trường Định. Trong ảnh: Đoàn khảo sát dừng chân tại khu vực Miếu Bà. Ảnh: THU HÀ
Đoàn khảo sát một số di tích, điểm đến trên tuyến đường thủy Cu Đê - Trường Định. Trong ảnh: Đoàn khảo sát dừng chân tại khu vực Miếu Bà, quận Liên Chiểu Ảnh: THU HÀ

Đây là hoạt động nằm trong Chương trình giám sát năm 2023; Kế hoạch số 55/KH-VHXH ngày 20-4-2023 của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố về việc triển khai, khai thác phát triển điểm đến sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa và đầu tư phát triển vận tải hành khách đường thủy nội địa và bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố đến năm 2025.

Theo đó, đoàn đi khảo sát thực tế tuyến đường sông với các điểm dừng chân như Miếu Bà, Lăng Ông Hổ (Liên Chiểu), vườn nho Nam Yên (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang).

Trên tuyến sông Cu Đê, đoàn khảo sát quan tâm đến việc làm các bến mềm, cầu tạm, kè chống sạt lở tại khu vực Miếu Bà sao cho hài hòa với tổng thể chung để khách có thể ghé vào tham quan các điểm di tích.

Đoàn cũng đi khảo sát một số điểm du lịch trên địa bàn xã Hòa Bắc như vườn nho Nam Yên, mô hình du lịch homestay… Tại các điểm này, các thành viên trong đoàn khảo sát cho rằng nên có các cơ chế, kêu gọi xã hội hóa để các doanh nghiệp đầu tư các bến cập để đón khách đường thủy nội địa.

Các điểm dừng chân trên tuyến đường thủy này phải có bến mềm, cầu tạm để khách có thể ghé tham quan khi đưa vào khai thác. Ảnh: THU HÀ
Các điểm dừng chân trên tuyến đường thủy này phải có bến mềm, cầu tạm để khách có thể ghé tham quan khi đưa vào khai thác. Ảnh: THU HÀ

Qua quá trình đi thực tế, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Lê Văn Nghĩa đánh giá tuyến đường thủy nội địa này có nhiều tiềm năng để kết nối phát triển du lịch, đặc biệt du lịch sinh thái tại các điểm dọc sông Cu Đê. Nếu khai thác tuyến thủy nội địa thì cần phải có sự kết nối các sản phẩm trên tuyến để du khách trải nghiệm.

Dọc theo tuyến sông Cu Đê có các di tích văn hóa lịch sử, có phong cảnh đẹp, có các nhà hàng hải sản, homestay, điểm dừng chân mang đậm nét sinh thái nhưng chưa có sản phẩm thủy nội địa kết hợp để khai thác loại hình này.

Sau chuyến đi, Ban Văn hóa - Xã hội sẽ giám sát các nội dung này và báo cáo với Thường trực HĐND thành phố về lộ trình thực hiện.

THU HÀ

 

;
;
.
.
.
.
.