Khai thác bến thủy nội địa: Cần hình thành các sản phẩm du lịch rõ nét, hấp dẫn

.

Du lịch đường thủy nội địa là một trong những sản phẩm được đánh giá là có nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp dịch vụ chủ yếu tập trung khai thác khách tại các tuyến trên sông Hàn, còn các bến thủy nội địa ở các vị trí xa hơn vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Bến thủy nội địa K20 phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: THU HÀ
Bến thủy nội địa K20 phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: THU HÀ

Một số bến thủy nội địa như bến K20 (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn), Túy Loan (đối diện đình làng Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), Thái Lai (thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn) được hoàn thành từ khá lâu, một số hạng mục đi kèm như nhà đón khách, lối vào… cũng được đầu tư thêm nhưng hiện nay vẫn vắng bóng du khách.

Một trong những bến thủy nội địa nằm khá gần trung tâm thành phố là bến tại K20. Bến có diện tích 1.408m2, thuộc loại bến hành khách, dạng liền bờ, được xây dựng trên cơ sở bề mặt tường kè sông Cổ Cò làm chỗ neo cập tàu và lối lên xuống cho hành khách. Bến có khả năng tiếp nhận 1 tàu khách có sức chở nhỏ hơn hoặc bằng 30 chỗ ngồi, chiều dài dưới 18,4m, chiều rộng lớn nhất nhỏ hơn hoặc bằng 4,2m; mớm nước đầy tải nhỏ hơn hoặc bằng 0,72m.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban quản lý Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn - đơn vị quản lý bến cho biết, sau khi bến được hoàn thiện, các hạng mục xung quanh bến như nhà chờ đón khách, trang thiết bị, lắp đặt các bảng chỉ dẫn, nội quy, hệ thống giám sát, cải tạo cảnh quan, cấp điện được quận đầu tư và hoàn thiện từ năm 2022. Tất cả hạ tầng đều bảo đảm vận hành, sẵn sàng đón và phục vụ khi có khách.

Tương tự, với các bến thủy ở Hòa Vang, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng cho hay, các bến tại đây đã được đầu tư và hoàn thiện. Tuy nhiên các bến này hiện nay không có khách bởi nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là phải hình thành được tuyến du lịch thủy nội địa, kết nối được sản phẩm, tour, tuyến, để đưa khách từ sông Hàn lên tham quan, trải nghiệm. Khi có khách, đình làng Túy Loan sẽ được mở cửa, có các chương trình biểu diễn nghệ thuật như hô hát bài chòi, thuyết minh phục vụ du khách…

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cho hay cộng đồng doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố rất quan tâm đến sản phẩm du lịch đường thủy nội địa, bởi dư địa để phát triển cho loại hình du lịch của Đà Nẵng rất nhiều và chưa được khai thác. Việc các bến thủy nội địa hiện nay vắng khách vì nhiều lý do như tài nguyên tại điểm đến có các bến thủy nội địa đó chưa thực sự nổi bật và có sức hút đối với du khách.

Bên cạnh đó vẫn còn khó khăn trong việc đưa các tàu vào khai thác do lòng sông có một số đoạn như tại cầu Giăng (Túy Loan) khổ thông tuyền hạn chế nên tàu lớn đi không lọt, một số đoạn lòng sông có đá ngầm nên tàu lớn không thể đi được mà chỉ có thể đi bằng cano. Song, theo đánh giá của ông Cao Trí Dũng để khai thác lâu dài, đường sông rất có chiến lược, với các bến thủy nội địa hiện nay có thể phục vụ cho loại hình drive taxi (taxi đường sông) và khi hình thành được tuyến sản phẩm rõ nét có tiềm năng thì khi đó sẽ có các doanh nghiệp đầu tư, khai thác.

Thông tin từ Sở Du lịch, trên địa bàn thành phố có 40 vị trí được quy hoạch, đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa. Đến nay đã có 6/40 bến đã được xây dựng, hoàn thành cầu tàu; 9/40 cảng, bến đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư; các bến còn lại đang tạm dừng xây dựng theo yêu cầu hoặc chưa triển khai đầu tư xây dựng. Được biết, ngày 19-12-2022, thành phố có Quyết định số 3273 QĐ-UBND ban hành “Kế hoạch phát triển vận tải hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với 7 tuyến gồm: sông Hàn - cầu Trần Thị Lý; sông Hàn - vịnh Đà Nẵng; Cu Đê - Trường Định; tuyến vận tải trên sông còn lại; cửa sông Cu Đê - vịnh Đà Nẵng; khu vực bán đảo Sơn Trà; các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo. Ngày 17-1-2023, thành phố ban hành Quyết định số 121/QĐ-UBND về việc công bố các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn, công bố 5 tuyến đường thủy nội địa gồm: Tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý; tuyến sông Hàn - Hòn Chảo; tuyến bến thủy nội địa CT15 đi hòn Sụp - bãi Nam - Bãi Đa; tuyến sông Hàn đi Cổ Cò, sông Cẩm Lệ, Túy Loan, sông Vĩnh Điện, sông Yên, sông Quá Giáng; 1 tuyến từ bờ ra đảo: Đà Nẵng - Lý Sơn.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thông tin, việc xây dựng phát triển du lịch đường thủy nội địa là cần thiết, tạo ra sản phẩm mới, góp phần phát triển du lịch thành phố, thế nhưng sản phẩm làm ra cần có sự đồng bộ với nhau gồm 3 yếu tố: tàu du lịch, bến, điểm đến. Vì thế, cần phải có sự tính toán lại cho phù hợp với thực tế hiện nay và quan trọng nhất là phải có sự đồng bộ với giao thông, đầu tư, xây dựng. Sở Du lịch đang tham mưu làm lại đề án về đường thủy nội địa trong giai đoạn tiếp theo sao cho phù hợp.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.