Kinh tế
Nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng
Với sự năng động và tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Hùng Mạnh, Chi hội nông dân Khánh Sơn 1 thuộc Hội Nông dân phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) lập nghiệp thành công từ chính những sản phẩm nông nghiệp của quê hương. Mô hình chế biến thực phẩm “Bếp mẹ chôm chôm” của anh không chỉ đem lại thu nhập cao cho gia đình, mà còn tạo việc làm cho người dân địa phương, từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Anh Nguyễn Hùng Mạnh (bên trái) cùng người trong gia đình chế biến thực phẩm phục vụ các đơn đặt hàng. Ảnh: X.D |
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở phường Hòa Khánh Nam, anh Nguyễn Hùng Mạnh luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế từ những sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Dù đang có một công việc ổn định, nhưng hằng ngày anh vẫn suy nghĩ làm sao để có những sản phẩm an toàn cho bữa cơm của mọi nhà. Anh Mạnh cho biết, ý tưởng ra đời mô hình “Bếp mẹ chôm chôm” có từ nhiều năm trước, song phải đến sau Covid-19 mới trở thành hiện thực. Lúc đó, Covid-19 khiến cho công việc của vợ chồng anh bị ảnh hưởng, thu nhập gia đình giảm.
Trong “cái khó ló cái khôn”, Covid-19 cũng tạo ra thay đổi đáng kể với việc nhiều mô hình kinh doanh chuyển dịch từ buôn bán trực tiếp sang thương mại điện tử, ứng dụng mạng xã hội. Vì vậy, tháng 9-2022, anh nghỉ việc ở công ty để cùng vợ thành lập một mô hình sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ, kinh doanh chính trên nền tảng mạng xã hội. Được Hội nông dân phường, Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay 150 triệu đồng và khoảng 100 triệu đồng vốn tích góp, vợ chồng anh đầu tư máy móc, trang thiết bị, nhãn hiệu để khởi nghiệp với mô hình “Bếp mẹ chôm chôm”.
Với mô hình này, anh Mạnh hiện đang sản xuất và kinh doanh khoảng 7 sản phẩm như: xúc xích, các loại chả, dăm bông, tóp mỡ… Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, mô hình này đang dần ổn định, tạo được uy tín với người tiêu dùng bởi nguyên liệu đầu vào sạch, giá cả phải chăng và chất lượng sản phẩm tốt. Qua theo dõi trên trang facebook và gian hàng thương mại điện tử của mô hình “Bếp mẹ chôm chôm”, các sản phẩm kinh doanh của anh chị được khách hàng đánh giá cao và để lại nhiều phản hồi tích cực. Theo anh Mạnh, muốn sản phẩm được khách hàng ủng hộ, tiêu chí về chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm phải luôn được đặt lên hàng đầu. Xác định được điều này, mọi khâu từ mua nguyên liệu đầu vào đến các bước chế biến, không gian chế biến được anh chia sẻ công khai trên các nền tảng điện tử.
“Chúng tôi tâm niệm, trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh thực phẩm, sản phẩm không chỉ ngon mà còn phải sạch. Vì vậy, có thể lợi nhuận không nhiều, nhưng chúng tôi rất hạnh phúc vì mang đến sản phẩm chất lượng cho khách hàng. Đây cũng là nền tảng quan trọng để mô hình mở rộng sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới”, anh Mạnh chia sẻ.
Nhờ uy tín, chất lượng, các sản phẩm từ mô hình “Bếp mẹ chôm chôm” được Hội Nông dân quận hỗ trợ kết nối, quảng bá thông qua các gian hàng trưng bày hội chợ của địa phương, bán ra thị trường ngày càng nhiều. Nhờ đó, kinh tế gia đình anh Mạnh ngày càng được cải thiện, chất lượng cuộc sống tăng lên. Cùng với đó, mô hình này cũng tạo việc làm thời vụ cho nhiều người lao động tại địa phương với mức thu nhập đủ trang trải cuộc sống.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Khánh Nam Bùi Trung Hiếu, mô hình “Bếp mẹ chôm chôm” là mô hình kinh tế nổi bật phát triển từ nguồn vốn hỗ trợ của Hội Nông dân phường, mang lại hiệu quả kinh tế tốt và tạo việc làm, thu nhập cho lao động tại địa phương. Đặc biệt mô hình này ứng dụng nhiều máy móc, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, Hội Nông dân phường đã có nhiều hỗ trợ cho mô hình từ thủ tục đến việc tiếp cận những chính sách mới cũng như trưng bày, quảng bá giới thiệu sản phẩm. Hội Nông dân phường sẽ đăng ký OCOP cho sản phẩm của mô hình “Bếp mẹ chôm chôm”; đồng thời hình thành một hợp tác xã chế biến sản phẩm nông nghiệp, kết nối những mô hình tương tự mô hình của anh Mạnh để thúc đẩy các hộ kinh doanh mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế từ nông sản quê hương. Qua đó, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quận nhà nói riêng, thành phố nói chung.
KHÔI NGUYÊN