Kinh tế
Khuyến khích các mô hình nông nghiệp tuần hoàn
Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều mô hình xử lý rác thải hữu cơ, hướng tới nông nghiệp tuần hoàn và phát triển kinh tế bền vững cho hội viên nông dân, nhằm thực hiện hiệu quả dự án “Tuyên truyền và vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”.
Nhiều mô hình nông nghiệp xử lý rác thải hữu cơ, hướng tới nông nghiệp tuần hoàn và phát triển kinh tế bền vững được triển khai cho hội viên nông dân. TRONG ẢNH: Ông Lê Văn Lý (thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến) đang kiểm tra mô hình nuôi trùn quế. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Nhiều lợi ích từ mô hình nuôi sâu canxi và trùn quế
Ông Nguyễn Tài (thôn Bắc An, xã Hòa Tiến) cho biết, cũng như mô hình nuôi trùn quế, nuôi sâu canxi rất dễ thực hiện với chi phí thấp. Thực chất, sâu canxi là ấu trùng của ruồi lính đen, đến giai đoạn sâu trưởng thành hoặc lột xác, vỏ kén của sâu để lại chứa rất nhiều canxi. Sản phẩm sâu trưởng thành có thể cho gia cầm ăn trực tiếp, hoặc vỏ kén sâu có thể dùng cho gia súc, gia cầm ăn bổ sung nguồn dinh dưỡng, nhất là canxi cho sự phát triển của vật nuôi. Theo đó, sau khi trứng nở thành ấu trùng, ông Tài bắt đầu cho ăn 2 lần/ngày. Nguồn thức ăn nuôi dưỡng của sâu là thức ăn thừa, phế phẩm nông nghiệp và phân gia súc, gia cầm.
Đến ngày thứ 30, ông bắt đầu thu hoạch sâu làm thức ăn cho gà và cá, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 15 ngày. Đến ngày thứ 45, lượng ấu trùng còn lại sẽ nở thành ruồi lính đen và tiếp tục đẻ trứng để bắt đầu chu kỳ mới. Ông Tài chia sẻ, sâu canxi sẽ giúp xử lý, giảm khoảng 70% lượng chất thải, phế phụ phẩm nông nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Sử dụng sâu canxi làm thức ăn chăn nuôi giúp vật nuôi phát triển khỏe mạnh, giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm chi phí thức ăn đầu vào và nâng cao lợi nhuận cho các hộ chăn nuôi. Ngoài ra, phân sâu canxi cũng được làm thức ăn cho trùn quế, tạo phân hữu cơ cho cây trồng.
Tại thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến, ông Lê Văn Lý là một trong những hộ dân triển khai thử nghiệm thành công mô hình nuôi sâu canxi và trùn quế. Đây là 2 mô hình nông nghiệp tuần hoàn, tạo nguồn thức ăn bổ dưỡng cho hoạt động chăn nuôi và phân bón hữu cơ cho cây trồng, tăng khả năng tái tạo đất, giải quyết chất thải trong quá trình sản xuất nông nghiệp của người dân. Theo ông Lý, các mô hình này rất dễ thực hiện, không tốn nhiều chi phí đầu tư và diện tích, người dân chỉ cần tận dụng một phần chuồng trại trống để nuôi.
Đối với mô hình nuôi trùn quế, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã Hòa Tiến, ông mạnh dạn cải tạo 20m2 diện tích chuồng trại để triển khai mô hình, sử dụng nguồn phân bò được ủ để làm thức ăn cho trùn quế. Trong quá trình nuôi, bề mặt chuồng được phủ kín bằng lá chuối để duy trì độ ẩm và đặt lưới lên trên cùng để bảo vệ, tránh trùn quế bị các sinh vật khác tấn công. Người nuôi có thể sử dụng bả thải mùn cưa, bả thải rơm, bông cùng với phân chuồng để nuôi trùn quế. Đây đều là các chất thải nông nghiệp dễ tìm kiếm trên địa bàn.
Ông Lý cho biết, mô hình mang lại hiệu quả rất rõ rệt cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh việc sử dụng trùn quế làm thức ăn chăn nuôi, phân trùn quế còn là loại phân hữu cơ giúp cải tạo đất, cung cấp chất dinh dưỡng tốt cho cây trồng. Loại phân này có khả năng làm tăng tỷ lệ nảy mầm của hạt giống, giúp cây con phát triển nhanh và có tỷ lệ sống cao. Mặt khác, phân trùn quế chứa nhiều kén trùn, khi bón vào đất, kén trùn sẽ nở ra và sinh trưởng, giúp đất luôn màu mỡ và tơi xốp. Được biết, cứ mỗi kg trùn quế, nông dân sẽ bán được khoảng 50.000 đồng và 35.000 đồng/kg đối với sinh khối có lẫn trùn. Hiện tại, gia đình ông Lý đang nuôi 1 con bò, khoảng 50 con gà thả vườn và trồng cây cảnh. Nguồn trùn quế và phân trùn quế từ mô hình giúp ông tiết kiệm được chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất và giải quyết được mùi hôi từ việc nuôi bò.
Hướng đến nông nghiệp xanh, phát triển bền vững
Theo ông Đặng Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tiến, đầu tháng 10-2023, Hội Nông dân thành phố đã tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi sâu canxi và trùn quế cho nông dân trên địa bàn xã. Đây là mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp mang lại giải pháp hữu hiệu, khắc phục khó khăn trong quá trình chăn nuôi. Địa phương đã chọn, hỗ trợ 20 hộ dân thực hiện các mô hình trên từ nguồn kinh phí dự án được tài trợ. Hội Nông dân xã Hòa Tiến sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn, triển khai và nhân rộng mô hình cho 120 hộ; qua đó, cải thiện môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các vấn đề sức khỏe của người dân địa phương.
“Nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ là mục tiêu sản xuất nông nghiệp của thành phố và địa phương trong thời gian đến. Bên cạnh các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường đã triển khai, địa phương sẽ tiếp tục xây dựng, hướng dẫn nông dân thực hiện các mô hình mới, hướng đến sản xuất bền vững, tạo ra nhiều giá trị trong hoạt động nông nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân”, ông Quang cho hay.
Theo Hội Nông dân thành phố, đây là 2 mô hình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp được chọn nằm trong chương trình dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổ chức Ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (Quỹ BRACE) triển khai tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước, giai đoạn 2021-2024. Hội đã triển khai chương trình tập huấn cho hơn 100 hội viên nông dân của 5 xã trên địa bàn huyện Hòa Vang gồm: Hòa Tiến, Hòa Sơn, Hòa Châu, Hòa Khương và Hòa Liên. Đa phần, các hội viên đều rất hứng thú bởi hiệu quả của mô hình.
Ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân thành phố cho biết sẽ tiếp tục tuyên truyền, lan tỏa những thông điệp hữu ích để góp phần thực hiện hiệu quả dự án. Từ đó, nâng cao nhận thức cho nông dân trong việc xử lý rác thải trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính; xây dựng và nhân rộng các mô hình về chuyển đổi chất thải thành nguồn thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, tạo việc làm, thu nhập cho người nông dân.
VĂN HOÀNG